Campuchia ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc và Brazil về hòa bình Ukraine
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Campuchia đã bày tỏ sự ủng hộ đồng thuận sáu điểm được Trung Quốc và Brazil nêu ra nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuyên bố trên được đăng trên trang Facebook chính thức của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia ngày 29/06. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia - ông Chum Suntory, Campuchia ủng hộ đồng thuận sáu điểm được Trung Quốc và Brazil nêu ra vì văn kiện này đáp ứng được tình hình thực tế và phù hợp.
Ông cũng nhấn mạnh, đề xuất này sẽ “ngăn chặn căng thẳng leo thang và tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại giữa Nga và Ukraine; giảm thiểu khủng hoảng nhân đạo; tránh khủng hoảng hạt nhân và tăng cường nỗ lực cải thiện an ninh lương thực và năng lượng, cũng như ổn định chuỗi cung ứng”.
Theo giới phân tích chính trị tại Campuchia, việc nước này ủng hộ đồng thuận sáu điểm trên là phù hợp. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc là thành viên tham gia sáng kiến này thì cũng không thể thiếu sự công nhận của Mỹ, liên minh châu Âu và các nước ủng hộ Ukraine.
Sáng kiến này của Brazil và Trung Quốc được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo hai nước này từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ.
Nội dung nguyên tắc “đồng thuận 6 điểm” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine bao gồm: Kêu gọi các bên tuân thủ “ba nguyên tắc” giảm leo thang tình hình (chiến trường không lan ra bên ngoài, chiến sự không leo thang và các bên không thêm dầu vào lửa); khẳng định đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cần tạo điều kiện để nối lại đối thoại trực tiếp, thúc đẩy hạ nhiệt tình hình, cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, cũng như tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả Nga và Ukraine; cần tăng cường viện trợ nhân đạo, tránh các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở dân sự; phản đối sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học; phản đối việc nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân hòa bình khác và thế giới không nên bị “chia thành các nhóm chính trị hoặc kinh tế biệt lập”.