Campuchia và Thái Lan sẽ thảo luận về nạn lừa đảo xuyên biên giới
VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia từ ngày 28/9, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và người đồng cấp Campuchia Hun Manet dự kiến sẽ có cuộc thảo luận hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới và trên nhiều lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm
Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia hôm qua (26/9) ra thông báo cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận xây dựng một chương trình hành động hướng đến tăng cường và mở rộng hợp tác hai bên cùng có lợi trong các khuôn khổ song phương và đa phương. Trong đó, hai Thủ tướng sẽ tham dự lễ bàn giao “Trung tâm tiếp nhận và phục hồi nạn nhân bị mua bán người và các nhóm dễ bị tổn thương khác” tại tỉnh Poipet, giáp biên giới Thái Lan.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước này Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết, Thủ tướng Thái Lan sẽ thảo luận với người đồng cấp Campuchia vấn đề liên quan đến những đối tượng lừa đảo trực tuyến hoạt động dọc biên giới.
Trong khi đó, giới chuyên gia Campuchia bày tỏ hy vọng rằng, hai vấn đề quan trọng: Lao động nhập cư, cờ bạc và lừa đảo trực tuyến sẽ được giải quyết bằng các biện pháp và sáng kiến cụ thể nhân chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan. Các nội dung khác dự kiến được đề cập là hợp tác an ninh, thúc đẩy thương mại và giao lưu văn hóa, tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Dư luận Campuchia đánh giá cao việc ông Srettha Thavisin chọn Campuchia là quốc gia ASEAN đầu tiên mà ông thăm chính thức sau khi nhậm chức Thủ tướng.
Thái Lan hiện dẫn đầu về số lượng du khách đến Campuchia. Trong 7 tháng đầu năm 2023, có đến trên 1 triệu lượt du khách Thái Lan đến Campuchia, chiếm trên một phần ba tổng số du khách nước ngoài đến Campuchia cùng thời điểm.
Theo Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong khuôn khổ Đối tác Tăng cường vì Hòa bình và Thịnh vượng, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như ngoài khu vực.