Căng thẳng Armenia-Azerbaijan có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh toàn diện
VOV.VN - Cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016 hiện có nhiều yếu tố phát triển thành một cuộc chiến toàn diện.
Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan về vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh. Quốc tế lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế trong khi Hội đồng Bảo an ngay lập tức họp khẩn để thảo luận về những diễn biến mới nhất.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan leo thang quanh khu vực Nagorno-Karabakh và ít nhất 30 người thiệt mạng trong ngày thứ 2 xảy ra đụng độ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, các lực lượng Azerbaijan tối qua (28/9) đã phát động một "cuộc tấn công lớn vào các khu vực phía Nam và Đông Bắc của chiến tuyến Karabakh".
Đây là các đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ năm 2016 và hiện có nhiều yếu tố phát triển thành một cuộc chiến toàn diện.
Trước hết liên quan đến nguyên nhân sâu xa của bất đồng giữa hai bên và vấn đề lợi ích chiến lược. Armenia và Azerbaijan vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống, nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Bước đi này vấp phải phản ứng mạnh của Azerbaijan vì đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia này. Chính vì vậy, khi có đụng độ xảy ra, cả Armenia và Azerbaijan đều có những hành động cứng rắn như thiết quân luật, tổng động viên với quyết tâm không nhượng bộ những lợi ích chiến lược của mình.
Trong bối cảnh này, sự can thiệp tích cực của cộng đồng quốc tế sẽ là chìa khóa tháo ngòi nổ nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều quốc gia lên tiếng nhưng chưa có những hành động cụ thể thực tế, đơn thuần chỉ là những tuyên bố kêu gọi ngừng bắn và đối thoại.
Trong khi đó, những tuyên bố ủng hộ các bên trong cuộc xung đột của các quốc gia bên ngoài có thể thổi bùng cuộc chiến này, cuốn thêm nhiều quốc gia vào vòng xoáy xung đột. Là quốc gia ký Hiệp ước đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau với Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ủng hộ hoàn toàn quốc gia này trong xung đột với Armenia.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định: “Tôi lên án hành động của Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh cùng người anh em Azerbaijan bằng tất cả sự hỗ trợ của mình. Đã đến lúc chấm dứt cuộc khủng hoảng này, Armenia phải ngay lập tức rút khỏi sự chiếm đóng của mình. Bất cứ giải pháp nào khác sẽ là bất hợp pháp, không công bằng và gây tổn hại cho chính Armenia”.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngay lập tức cảnh báo bất cứ sự can thiệp nào của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm tình hình thêm căng thẳng: “Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ gây lo ngại nghiêm trọng. Điều này có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho khu vực Nam Kavkaz và các khu vực lân cận. Cộng đồng quốc tế phải cùng nỗ lực ngăn chặn những diễn biến này, kiểm soát tình hình khu vực trước mọi nỗ lực gây mất ổn định”.
Ký kết liên minh phòng thủ với Armenia, nhưng Nga được cho là có mối quan hệ tốt đẹp với cả 2 quốc gia thuộc Liên xô cũ này. Người phát ngôn Điện Kremlin Nga Dmitry Peskov hôm qua cho biết Nga sẽ sử dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với hai nước để giải quyết xung đột.
“Nga sẽ tiếp tục giám sát tình hình chặt chẽ. Phía Nga tin rằng các bên nên dừng chiến dịch quân sự ngay lập tức, thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột dựa trên đối thoại và giải pháp chính trị”.
Là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, bất ổn bùng phát ở Nam Kavkaz với nhiều điểm nóng an ninh này sẽ tác động lớn đến ổn định của nhiều quốc gia. Do đó cố gắng hạ nhiệt căng thẳng trước khi vượt ngoài tầm kiểm soát đang được nhiều quốc gia tích cực thúc đẩy. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (29/9) có cuộc họp khẩn theo yêu cầu của Pháp và Đức để thảo luận về tình hình khu vực. Nhiều quốc gia cũng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt các hành động bạo lực./.