Căng thẳng bủa vây sau khi Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây
VOV.VN - Giữa lúc quan hệ giữa Moscow và phương Tây ngày càng căng thẳng sau khi một số nước NATO, trong đó có Mỹ, “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga; thì ở phía Đông, nguy cơ nổ ra xung đột cũng dần nhen nhóm.
Phương Tây tuyên bố “cởi trói” cho Ukraine, đẩy căng thẳng lên cao
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, vũ khí viện trợ từ các nước phương Tây mà quân phòng thủ trông chờ nhiều tháng cuối cùng đã tới tay họ, với hi vọng sẽ giúp quân đội Kiev thoát khỏi thế “kìm kẹp”. Tuy nhiên, hy vọng này vô cùng mong manh, khi Moscow có lợi thế về pháo binh 5 chọi 1, theo nguồn tin từ lực lượng Ukrine đang đóng tại các vị trí phòng thủ phía Bắc thành phố Kharkov – nơi quân đội Kiev đang “oằn mình” chống đỡ các đợt tấn công dồn dập của Nga kể từ ngày 9/5.
Vị trí này nằm sát biên giới Nga – Ukraine, thậm chí một số vị trí phòng thủ của Ukraine cách lãnh thổ nước này không quá 12 km đến 15 km, giúp các đơn vị Nga có thể tái trang bị và luân chuyển ra vào Nga tương đối dễ dàng. Khu vực gần biên giới cho đến nay vẫn là vị trí ẩn náu “hoàn hảo” cho quân đội tấn công, do Ukraine vẫn chưa nhận được sự cho phép hoàn toàn từ phương Tây trong việc sử dụng các loại vũ khí phương Tây tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.
Chuyên gia vũ khí Marcus Hellyer từ Cơ quan phân tích chiến lược Australia đánh giá rằng trong tình thế như vậy, Ukraine “đang chiến đấu với một tay bị trói sau lưng”.
Hiện các thành viên NATO vẫn lo ngại căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, nếu Ukraine nhận được quyền khai hỏa vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga mà không có một số hạn chế nhất định. Nếu viễn cảnh này xảy ra, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ đáp trả, không loại trừ khả năng sử dụng các vũ khí hạt nhân. NATO có lý do để tin rằng ông Putin không nói “suông”, khi Nga đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật từ cuối tháng 5.
Tuy nhiên, trước thực thế Ukraine ngày càng trở nên yếu thế trên chiến trường, một số nước phương Tây đã lên tiếng “nới lỏng” hạn chế đối với việc sử dụng các loại vũ khí do các nước này cung cấp. Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm gần đây tới Kiev rằng Ukraine “hoàn toàn có quyền tấn công lại Nga”. Hôm 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tổ chức một cuộc họp báo tại Brandenburg (Đức), cho phép Kiev “vô hiệu hóa các địa điểm quân sự là nơi khởi đầu của các trận không kích vào Ukraine”.
Tại Mỹ cũng nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh việc nên hay không nên “cởi trói” cho Ukraine trong vấn đề sử dụng vũ khí viện trợ nhằm vào các mục tiêu Nga. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn ủng hộ Kiev, Bộ Quốc phòng nước này lại lên tiếng phản đối. Cuối cùng, Ngoại trưởng Anthony Blinken thắng thế và hôm 30/5, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ.
Ông Christoph Bluth, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Bradford, nhận xét rằng Kiev đã hành động “gần như lập tức” sau khi được “cởi trói”. Cuối tuần trước, Ukraine vừa tiến hành một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở phòng không của Nga ở Belgorod Oblast – cách Kharkiv khoảng 80 km và nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Ngay sau đó, Moscow tuyên bố coi phương Tây thực tế đã trở thành một bên tham chiến do tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng.
Căng thăng nhen nhóm từ phía Đông
Trong lúc các nước NATO tăng cường hỗ trợ cho Ukraine khiến Nga buộc phải lên tiếng, có vẻ như ở phía Đông, tình hình cũng trở nên bất ổn. Sau cuộc tấn công vào Tòa thị chính Crocus ở Moscow hôm 22/3, được cho là do các lực lượng ở Tajikistan thực hiện, chính quyền Nga đã có những động thái cứng rắn với quốc gia Trung Á này.
Bà Anastassiya Mahon, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đại học Aberystwyth, cho rằng, mối quan hệ giữa Moscow và các nước láng giềng Trung Á của Nga đang dần "nóng lên" kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi năm 2022.
Theo bà Mahon, dù không trực tiếp phản đối Nga tại Liên Hợp Quốc, nhưng một số quốc gia Trung Á đều có những “phản ứng nhất định” trước Nga. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, từ chối công nhận việc Nga sáp nhập các khu vực ở miền đông Ukraine vào mùa hè năm 2022, đồng thời cho biết ông không có ý định giúp Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các nhà lãnh đạo Cộng hòa Kyrgyzstan và Kazakhstan hồi năm ngoái đã gặp Tổng thống Mỹ ở New York để chia sẻ quan điểm về các phản ứng đối với biến đổi khí hậu và sự ổn định ở Afghanistan, thay vì thảo luận một cách phô trương các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, theo bà Mahon, các vấn đề biến đổi khí hậu giúp cho phương Tây “nối dài ảnh hưởng” tới Trung Á nói chung và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào trong khu vực nói riêng – được xem là có “khả năng gây chia rẽ quan hệ giữa Tổng thống Putin và các đồng minh của Nga tại đây”.
Trong khi đó, một số nguồn tin cho rằng Moscow vẫn đang nhắm tới đảo Gotland của Thụy Điển, nơi chỉ cách nơi hạm đội Nga trên Biển Baltic tầm 300 km. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Thụy Điển đã duy trì sự hiện diện quân sự liên tục trên hòn đảo này trước khi phi quân sự hóa vào năm 2005. Sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã khiến Thụy Điển một lần nữa đưa quân đến Gotland. Sau khi gia nhập NATO gần đây, Stockholm lo ngại rằng Moscow có thể đã khôi phục lại mối quan tâm tới hòn đảo này, trong bối cảnh Nga không hài lòng về việc “lãnh thổ NATO đang mở rộng sát biên giới Nga”, dẫn tới kế hoạch giành được quyền kiểm soát khu vực Baltic bằng cách “sở hữu Gotland”.
Bà Natasha Lindstaedt, chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Essex, chia sẻ rằng, trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi đánh giá lại tình hình biên giới trên biển của Nga với Phần Lan và Kaliningrad, Thụy Điển và một loạt các nước trong khu vực, cho thấy những xung đột không chỉ leo thang trên chiến trường Nga, mà còn đang nhen nhóm ở vùng Biển Baltic.