Căng thẳng chính trị ở Serbia gia tăng sau thảm kịch sập mái nhà ga Novi Sad
VOV.VN - Vụ việc 15 người tử vong ở thành phố Novi Sad, Serbia, do sập mái trạm xe lửa hồi đầu tháng 11 đang làm gia tăng căng thẳng chính trị tại quốc gia này. Phe đối lập và người dân tiếp tục các hoạt động gây áp lực lên chính quyền, trong khi đảng cầm quyền đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại chính trị sau thảm kịch.
Kể từ sau khi thảm kịch xảy ra vào đầu tháng 11, tình hình chính trị tại Serbia ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều tuần trở lại đây, thủ đô của Serbia liên tục tràn ngập các cuộc biểu tình lớn nhỏ để phản đối chính phủ và yêu cầu Tổng thống Vucic từ chức. Giao thông liên tục bị tắc nghẽn tại nhiều thành phố và thị trấn của Serbia, bao gồm cả thành phố Novi Sad ở phía Bắc Serbia, nơi mái bê tông bên ngoài của nhà ga đường sắt trung tâm đã đổ sập khiến 15 người tử vong.
Người dân cáo buộc tình trạng tham nhũng tràn lan và các thỏa thuận không minh bạch đã dẫn đến công việc cẩu thả trong quá trình tái thiết và dẫn đến việc mái nhà bị sập. Các đảng đối lập cáo buộc rằng, một số công trình tái thiết đã được phê duyệt nhanh chóng và không minh bạch, nhiều công trình mới xây dựng đã được mở cửa mà không nhận các giấy phép cần thiết. Các đảng đối lập cũng đã nhiều lần yêu cầu đảng cầm quyền được tiếp cận đầy đủ tài liệu về tòa nhà ga xe lửa và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Thậm chí, các cuộc ẩu đả đã nổ ra ở cả Quốc hội Serbia tuần trước sau khi phe đối lập cáo buộc liên minh cầm quyền chối bỏ trách nhiệm sau thảm kịch vừa qua.
Trong khi đó, Tổng thống Vucic đã cáo buộc phe đối lập lợi dụng cái chết của người dân để đạt được mục đích chính trị, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để điều tra rõ vụ việc.
Mặc dù Chính phủ Serbia đã bắt giữ mười hai cá nhân liên quan đến vụ việc này, song vẫn chưa làm giảm bớt các áp lực phản đối từ phía người dân và phe đối lập. Giới chuyên gia cho rằng, thảm kịch sập mái nhà ga nói trên cho thấy sự thiếu tin tưởng của người dân vào hệ thống tư pháp, đồng thời đã làm suy yếu lòng tin của người dân vào ngành xây dựng - một lĩnh vực có ý nghĩa chính trị đối với đảng cầm quyền. Điều này có thể sẽ khiến tình hình chính trị tại Serbia tiếp tục diễn biến căng thẳng nếu Tổng thống Vucic không có các giải pháp kịp thời để khôi phục lòng tin và sự ủng hộ của người dân.