Căng thẳng giữa chính quyền quân sự Niger và Pháp leo thang
VOV.VN - Truyền thông khu vực hôm nay (4/9) đưa tin, chính quyền quân sự Niger đã triển khai các đơn vị tới căn cứ quân sự Pháp ở thủ đô Niamey, sau khi được lệnh giám sát lực lượng này. Căng thẳng giữa chính quyền quân sự Niger và Pháp tiếp tục leo thang.
Hãng tin Al Jazeera đưa tin, quân tiếp viện đã được chính quyền quân sự Niger điều động đến căn cứ ở Niamey - nơi quân đội Pháp đồn trú, với mệnh lệnh giám sát lực lượng này. Quân đội Pháp hiện vẫn ở bên trong căn cứ.
Động thái của chính quyền quân sự Niger được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình bao vây căn cứ quân sự và Đại sứ quán Pháp tại Niger, kêu gọi Đại sứ Pháp Sylvain Itte và quân đội nước này rời khỏi Niger, theo như yêu cầu của chính quyền quân sự:
“Người Pháp phải rời đi. Đây là quê hương của chúng tôi. Họ phải rời đi, dù muốn hay không. Nếu họ không rời đi, chúng tôi vẫn ở đây. Chúng tôi sẽ ở đây, biểu tình ở đây, dù lâu như thế nào đi nữa. Chúng tôi quyết tâm và người Pháp cần rời đi”.
“Ai đó nói rằng, chúng tôi được trả tiền để ra ngoài biểu tình. Hoàn toàn không phải vậy, đó có thể là câu chuyện của trước đây. Người dân Niger đang ở đây, bởi chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Hãy để chúng tôi được yên bằng cách rời khỏi đất nước của chúng tôi”.
Hiện chính quyền quân sự Niger đang cáo buộc Pháp can thiệp vào tình hình nội bộ nước này khi công khai ủng hộ Tổng thống bị lật độ Mohammed Bazoum. Tổng thống Pháp Macron cũng hoan nghênh việc Đại sứ Pháp duy trì sự hiện diện bất chấp lệnh trục xuất của chính quyền quân sự Niger.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh, Đại sứ nước này không cần phải cúi đầu trước mệnh lệnh của một bộ trưởng không có tính hợp pháp – ám chỉ các tuyên bố của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Niger về việc trục xuất.
Hành động Pháp cũng đang nhận được sự ủng hộ từ các ngoại trưởng EU trong cuộc họp mới đây về vấn đề Niger. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết:
“Chúng tôi đã quyết định bắt đầu một quy trình thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những người làm đảo chính Niger. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những đề xuất khác từ ECOWAS. Họ giải thích cho chúng tôi tình hình thực địa và cách ECOWAS đang xem xét khả năng triển khai can thiệp quân sự. Các ngoại trưởng EU lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự ở Niger, kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp. Tình hình Niger cũng liên quan đặc biệt tới Pháp. Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với Pháp”.
Một tháng trước, chính quyền quân sự Niger xóa bỏ mọi thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp – điều này đồng nghĩa với việc Pháp phải rút quân. Tuy nhiên, Paris không thừa nhận chính quyền quân sự, mà vẫn coi chính quyền bị lật đổ là hợp pháp. Tổng thống Pháp còn tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp để hiện thực hóa các tuyên bố ủng hộ chính quyền Niger bị lật đổ.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, nước này vẫn đang theo đuổi các nỗ lực ngoại giao cho 2 cuộc đảo chính tại châu Phi là Niger và Gabon. Đại sứ Trung Quốc tại Niger cuối tuần qua cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền quân sự Niger để bàn về hợp tác quốc phòng.