Căng thẳng leo thang trên báo đảo Triều Tiên

Nghiêm trọng nhất là việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ với Hàn Quốc từ ngày 1/12 và từ chối việc cho phép đưa các mẫu vật tại các cơ sở hạt nhân ra ngoài để tiến hành kiểm chứng.

Trong 2 ngày qua, liên tiếp xảy ra một loạt các diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ liên Triều cũng như vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Nghiêm trọng nhất là việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ với Hàn Quốc từ ngày 1/12 và từ chối việc cho phép đưa các mẫu vật tại các cơ sở hạt nhân ra ngoài để tiến hành kiểm chứng. Tính chất nghiêm trọng của sự việc khiến người ta không còn nghĩ đây chỉ là “đòn gió” của Bình Nhưỡng như những lần căng thẳng trước.

Tuyên bố đóng cửa toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc từ ngày 1/12 là diễn biến nguy hiểm nhất đẩy căng thẳng trong quan hệ liên Triều lên đỉnh điểm, chấm dứt những nỗ lực ít ỏi được tiến hành thời gian gần đây để cải thiện quan hệ. Nếu được thực hiện, lệnh cấm qua lại biên giới này sẽ đe dọa trực tiếp đến 2 dự án trọng tâm của công cuộc hợp tác liên Triều là khu công nghiệp Kaesong ở phía bắc khu Phi quân sự và các tuyến du lịch từ Hàn Quốc đến CHDCND Triều Tiên. Nhưng nghiêm trọng hơn, đây sẽ là biểu hiện “chia cách” mới giữa hai miền Triều Tiên vốn nỗ lực hòa giải từ nhiều năm qua.

Về nguyên nhân, phía CHDCND Triều Tiên tuyên bố đây là phản ứng trước chính sách cứng rắn của chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak lên nhậm chức từ tháng 2 cũng như việc nhiều nhà họat động của Hàn Quốc thả bong bóng truyền đơn chống Bình Nhưỡng ở giới tuyến quân sự. Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul đã làm cho tình trạng đối đầu giữa hai bên "vượt quá giới hạn nguy hiểm". Tháng trước, CHDCND Triều Tiên đã đe dọa trục xuất công dân Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong và thậm chí còn cảnh báo có thể “đánh đòn phủ đầu” chống Hàn Quốc. Hiện một số quan chức Hàn Quốc vẫn hy vọng rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ không thực hiện tuyên bố đóng cửa biên giới này. Cùng với tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới, Bình Nhưỡng đã cho đóng cửa văn phòng Hội chữ thập đỏ tại làng đình chiến Pan Mun Chơm và cắt mọi liên lạc từ văn phòng này.

CHDCND Triều Tiên cũng đưa ra 2 tuyên bố đe dọa ảnh hưởng đến vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của nước này. Đó là tuyên bố đã giảm tiến độ vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon vì không nhận được viện trợ kinh tế đúng thời hạn như các đối tác trong đàm phán 6 bên đã cam kết. Bình Nhưỡng cho biết mới chỉ nhận được khoảng 1/2 số viện trợ theo cam kết trong khi nước này đã hoàn tất 8 trên tổng số 11 bước theo yêu cầu đối với tiến trình vô hiệu hóa lò Yongbyon. Trước đó, CHDCND Triều Tiên bác bỏ việc nước này từng cho phép đưa các mẫu vật phẩm ra khỏi các cơ sở hạt nhân để đưa đi kiểm chứng- điều mà Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Bình nhưỡng; và cũng sẽ không cho phép việc đó trong tương lai.

Đồng loạt các động thái mạnh tay được CHDCND Triều Tiên đưa ra chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày, khiến dư luận hết sức lo ngại và đặt câu hỏi: Phải chăng Bình Nhưỡng không còn muốn hợp tác, cả trong các nỗ lực hòa giải liên Triều lẫn trong hợp tác với các đối tác quốc tế về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên? Hay phải chăng đó vẫn chỉ là những lời đe dọa ở một nấc thang căng thẳng hơn của Bình Nhưỡng mà thôi? Giới phân tích và dư luận vẫn hy vọng vào khả năng thứ hai, dù những lời lẽ nặng nề của phía CHDCND Triều Tiên không cho phép người ta có thể lạc quan.

Phản ứng trước các động thái của CHDCND Triều Tiên, đại diện Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm khẩn cấp, cùng nhấn mạnh quan điểm coi việc lấy mẫu ra khỏi các cơ sở hạt nhân là một phần không thể thiếu trong tiến trình kiểm chứng hạt nhân đã được thống nhất trước đó. Phía Mỹ cho biết đã chuyển 50 nghìn tấn dầu nhiên liệu theo thỏa thuận và số dầu đó dự kiến sẽ đến Triều Tiên vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Chưa rõ liệu tuyên bố này có giúp giảm bớt sự bất bình từ phía CHDCND Triều Tiên hay không. Trong khi đó, việc Nhật Bản vẫn từ chối thực hiện phần đóng góp của nước này càng làm tình hình trở nên bế tắc hơn. Đặc biệt, việc Nhật Bản và Mỹ vội vã tăng cường chuẩn bị các kế hoạch tác chiến chung nhằm đối phó kịp thời với bất cứ biến động nào trong khu vực khiến người ta không khỏi lo lắng về nguy cơ xảy ra xung đột./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên