Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Pakistan
Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan từ lâu đã rạn nứt và đang bắt đầu trông giống kẻ thù hơn là đồng minh của nhau.
Mỹ vừa quyết định rút các nhà đàm phán về nước trong khi đang thương lượng với phía Pakistan về việc mở lại tuyến vận chuyển quân dụng và hàng hóa tiếp tế cho lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan. Có vẻ như mối quan hệ nửa đồng minh, giữa Mỹ và Pakistan một lần nữa lại bị đặt trong một thử thách mới.
Các nguồn tin cho biết, sau khi đàm phán gần như rơi vào bế tắc, một số thành viên trong đoàn đàm phán Mỹ đã về nước và số còn lại cũng dự định sẽ sớm rời khỏi Pakistan.
Máy bay không người lái Reaper đang được Mỹ sử dụng rộng rãi tại Pakistan (Ảnh: Internet) |
Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã “nói xa gần” về việc Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt phiến quân ở Pakistan. Ông lập luận rằng, các thủ lĩnh Al-Qaeda, vốn đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ, đang ẩn náu tại khu vực bộ lạc nằm phía Tây bắc Pakistan, tiếp giáp với Afghanistan.
Theo ông, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giúp bảo vệ người dân Pakistan, cũng là mục tiêu tấn công của Al-Qaeda và các đồng minh của nhóm này. Tuy nhiên, số dân thường thiệt mạng nhiều hơn số những kẻ khủng bố trong suốt thời gian qua đã chứng minh các kế hoạch của Mỹ thực sự không mang lại hiệu quả.
Quan hệ đồng minh “môi hở răng lạnh” một thời giữa Mỹ và Pakistan từ lâu đã rạn nứt và đang bắt đầu trông giống kẻ thù hơn là đồng minh của nhau. Trong khi Mỹ đang tỏ ra hết kiên nhẫn với Pakistan thì Pakistan cũng bắt đầu có những phản ứng hết sức gay gắt. Một mặt cáo buộc các hành động không kích không người lái của Mỹ là một hành động sỉ nhục quốc gia, mặt khác cũng từ chối chấm dứt lệnh đóng cửa các tuyến tiếp tế đường bộ mà các đoàn xe vận tải của Mỹ và NATO vẫn sử dụng để vận chuyển hàng hóa và vũ khí vào Afghanistan. Dư luận Pakistan cũng đang gây sức ép đối với Chính phủ của Thủ tướng Gilani. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra liên tiếp trong những tuần gần đây yêu cầu Chính phủ chấm dứt hoàn toàn tuyến tiếp tế đường bộ của Mỹ sang Afghanistan.
Ông Mohammed Hussain Manneti, lãnh đạo một nhóm biểu tình nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Chính phủ Pakistan nối lại các tuyến đường tiếp tế của Mỹ và NATO. Nếu điều đó được thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối”.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ -Pakistan sẽ không mang lại lợi ích nào đối với các hai bên. Về phía Islamabad, đó là các khoản viện trợ quân sự và kinh tế mạnh mẽ từ Washington. Là một nước nhỏ, Pakistan không có quá nhiều sự lựa chọn trong các đối tác.
Tuy có những phát ngôn mang tính cứng rắn, nhưng Thủ tướng Raza Gilani đủ sáng suốt để nhận ra thực tế rằng: Cắt đứt quan hệ với Mỹ không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Với Washington, Islamabad là chìa khóa giúp Mỹ kiềm chế sự nổi lên của các phần tử Taliban. Các phần tử Hồi giáo cực đoan đang trú ẩn tại khu vực biên giới Tây Bắc Pakistan luôn là hiểm họa với binh sĩ Mỹ và đồng minh tại Afghanistan. Bởi từ đây, các phần tử Hồi giáo cực đoan không chỉ tấn công lực lượng liên quân ở miền Đông Afghanistan, mà còn lên các kế hoạch tấn công châu Âu và Bắc Mỹ.
Cắt đứt quan hệ với Pakistan cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đẩy Islamabad về gần Bắc Kinh, đối thủ của Washington trên nhiều các phương diện. Sự lệ thuộc lẫn nhau này sẽ khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Pakistan sẽ không thể dễ dàng bị “cắt đứt”. Tuy nhiên, những rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Pakistan thời gian qua đã phản chiếu rõ nhất mối quan hệ cộng hưởng trong trật tự thế giới mà ranh giới giữa đồng minh và kẻ thủ luôn mong manh./.