Căng thẳng Mỹ - Iran: Mùi của chiến tranh?
Nếu cả hai nước không tính toán kỹ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh để lại hậu quả khôn lường.
Ngày 3/1, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phái các nhóm tàu sân bay đến vịnh Ba Tư (Persian), bất chấp cảnh báo “hành động” của Iran trước động thái này.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nói trong một tuyên bố: “Việc triển khai các tàu chiến quân sự của Mỹ đến khu vực vịnh Ba Tư sẽ vẫn tiếp diễn như nó đã từng trong nhiều thập kỷ qua. Việc triển khai các nhóm tàu sân bay như vậy là cần thiết để duy trì các hoạt động hỗ trợ chiến lược cho các sứ mệnh đang diễn ra”. Mỹ đưa ra tuyên bố này ngay sau khi ban lãnh đạo quân sự Iran đã yêu cầu Mỹ không đưa thêm tàu sân bay vào khu vực vịnh Ba Tư.
Tàu sân bay USS John C.Stennis đã qua eo biển Hormuz trong thời gian Iran tập trận |
Căng thẳng xuất phát từ đâu?
Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ qua, khiến dư luận lo ngại về một cuộc xung đột sắp xảy ra giữa hai nước.
Ngòi nổ gây căng thẳng bắt đầu từ việc Tổng thống Mỹ ban hành một đạo luật cấm các ngân hàng giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Iran. Động thái này, cộng thêm với việc Mỹ tăng cường chuyển giao vũ khí cho các nước theo đạo Hồi thuộc dòng Sunni (như quyết định cung cấp 84 máy bay tiêm kích F-15 cho Arabia Saudi), đã khiến Iran liên tiếp trong những ngày qua đã có những hành động quân sự đáp trả, như tuyên bố đã tự chế tạo các thanh nhiên liệu hạt nhân, bắn thử các tên lửa tầm trung và tầm xa, đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz và tiến hành tập trận hải quân tại Vịnh Oman và Vịnh Arập.
Trong khi đó, Mỹ cũng có những thái độ cứng rắn. Thậm chí, “chiến tranh Iran” là chủ đề được các ứng viên Đảng Cộng hòa đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống. Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kín của Đảng Cộng hòa nhằm chọn ra ứng cử viên bầu cử tổng thống ở bang Iowa, đã đưa ra một cam kết rõ ràng rằng nếu ông giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông sẽ “sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết” và “Iran sẽ không thể có được vũ khí hạt nhân”.
Thái độ cứng rắn của cả hai bên, dường như tự đóng kín con đường đối thoại, ngoại giao, chỉ càng đẩy hai nước vào cuộc khủng hoảng, không có lợi cho cả hai bên, ảnh hưởng tiêu cưc tới an ninh ổn định ở khu vực và cả nền kinh tế toàn cầu.
Bởi, với lệnh trừng phạt Iran của Mỹ và phương tây, có thể khiến nước này đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu mỏ có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực, từ đó gây ra những tác động đối với thị trường dầu mỏ thế giới.
Ngay cả việc Iran tiến hành các cuộc tập trận cũng sẽ làm cho giá dầu tăng cao lên 111 USD/thùng vào ngày 3/1/2012, đe dọa tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Toan tính sai, hậu quả khôn lường
Dự kiến ngày 2/3/2012 Iran chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội. Trong bối cảnh làn sóng “Mùa Xuân Arập” bùng lên ở khu vực từ đầu năm 2011, kinh tế Iran cũng đang gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều ở mức 2 con số. Hiện đồng rial của nước này bị mất tới 12% giá trị chỉ trong ngày 3/1. Với Mỹ, năm nay, chính trường nước này tiến hành bầu cử Tổng thống. Kinh tế Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, với sự phục hồi chậm. Nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Tổng thống Barack Obama năm 2012 là phát triển kinh tế nhằm tạo đà cho chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2012. Bởi vậy, xảy ra chiến tranh đều là kịch bản không mong muốn của cả Mỹ và Iran và hai bên đều không có lợi khi sa lầy vào cuộc chiến, khó có người giành chiến thắng.
Để hóa giải cuộc khủng hoảng căng thẳng hiện nay giữa hai bên, Mỹ và Iran, cần hướng tới những cuộc đối thoại hòa bình, thiện chí xây dựng, tính đến lợi ích của hai bên, đặc biệt là hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới./.