Căng thẳng Mỹ Latin và mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ

Quan hệ Venezuela - Colombia vốn đã xấu từ hồi tháng 7 sau khi Colombia thông báo sẽ cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, lại nóng lên bởi những hành động quân sự.

Tổng tuyển cử ở Honduras đã được tiến hành ngày 29/11 nhưng đấy vẫn chưa thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi xảy ra đảo chính hồi tháng 6 vừa qua. Phía sau của tình hình căng thẳng tại Mỹ Latinh là mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ.

Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Colombia và Venezuela, hai nước có chung đường biên giới dài 2.220 km, đang có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột khi gần đây hai bên liên tiếp có những cáo buộc cùng động thái làm gia tăng căng thẳng.

Hồi đầu tháng 11 này, Chính phủ Venezuela đã quyết định triển khai hơn 15.000 lính Quân cảnh Quốc gia tới 6 bang biên giới giáp Colombia trước tin các nhóm vũ trang Colombia xâm phạm lãnh thổ nước này. Trước đó, liên tiếp xảy ra các vụ công dân của cả hai nước bị sát hại tại khu vực biên giới chung và nhà chức trách Venezuela tố cáo Cục Tình báo Colombia (DAS) tiến hành các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ nước này.

Mới đây nhất, ngày 21/11, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez kêu gọi người dân tham gia lực lượng dân quân do chính phủ tổ chức để sẵn sàng bảo vệ đất nước trước nguy cơ ngoại xâm. Ngày 19/11, quân đội Venezuela đã dùng mìn đánh sập hai chiếc cầu tạm dành cho người đi bộ tại biên giới với Colombia.

Trong khi chính phủ Colombia lên tiếng tố cáo hành động của Venezuela trước Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) là vi phạm luật pháp quốc tế, phía Venezuela cho rằng những chiếc cầu tạm tại khu vực biên giới hẻo lành thường được dùng để vận chuyển ma túy và buôn lậu và hành động phá cầu là nhằm bảo vệ chủ quyền của Venezuela.

Còn với Honduras, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó phải kể đến vai trò của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), vẫn chưa thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại đây, khi mà việc phục chức cho Tổng thống hợp hiến bị lật đổ Manuel Zelaya theo tinh thần thoả thuận San Jose mà các bên ký kết hồi tháng 10, đang bị Quốc hội Honduras trì hoãn. Chủ tịch Quốc hội Alfredo Saavendra ngày 18/11 thông báo sẽ mở phiên họp quyết định về việc phục chức cho Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya vào ngày 2/12 tới, nghĩa là 3 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Honduras.

Ông này cũng cho biết sẽ triệu tập cuộc họp chừng nào có ý kiến của các cơ quan thẩm quyền nhà nước về vấn đề phục chức cho ông Zelaya trong đó có toà án tối cao mà cho đến giờ vẫn “im hơi lặng tiếng”. Động thái “câu giờ” trên không chỉ gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Tổng thống bị phế truất Zelaya và còn từ phía cộng đồng khu vực Mỹ Latin.

OAS tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử tại Honduras nếu ông Zelaya không được đưa trở lại vị trí điều hành đất nước, còn Argentina và Brazil tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử bởi nó được một chính phủ tiếm quyền tổ chức và điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu tại khu vực Mỹ Latin.

Một điều đang lưu ý là Tổng thống Honduras bị lật đổ Zelaya, lẫn Venezuela đều tố cáo Mỹ đứng đằng sau xung đột Colombia-Venezuela và khủng hoảng chính trị tại Honduras. Tổng thống bị lật đổ Zelaya cho rằng sự chậm trễ trong việc phục chức cho ông là âm mưu của Mỹ nhằm "xóa dấu vết" cuộc đảo chính 28/6 bằng việc hình thành một nội các chuyển tiếp cho đến khi có một chính phủ được bầu ngày 29/11.

Theo ông Zelaya, nếu muốn Chính phủ Mỹ có thể đơn phương giải quyết cuộc khủng hoảng ở Honduras và trên thực tế, chỉ trong 2 giờ đồng hồ chính phủ tiếm quyền sẽ phải trao lại quyền lực, bởi 75% hoạt động kinh tế của Honduras được thực hiện thông qua Mỹ. 

Còn Bộ Ngoại giao Venezuela thì cáo buộc rằng tình hình bất ổn diễn ra trong những ngày này tại khu vực biên giới Colombia-Venezuela không phải là ngẫu nhiên mà đây là chiến lược do Mỹ dàn dựng và Bogota đang thực hiện. Những điều tố cáo này hoàn toàn có cơ sở. Bất chấp những lời giải thích về cuộc chiến chống ma tuý và đảm bảo từ Mỹ và Colombia, các căn cứ quân sự hỗn hợp mà Bogota cho phép Washington sử dụng là một vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ của một thảo thuận song phương. Thực chất, những căn cứ quân sự mà Colombia chia sẻ với Mỹ chính là một mạng lưới căn cứ trên bộ cho phép Mỹ triển khai nhanh một số lượng binh lính và khí tài trong trường hợp khẩn cấp. Và cũng dễ hiểu vì sao Venezuela lại phản ứng mạnh mẽ với thoả thuận quân sự Colombia-Hoa Kỳ, bởi Venezuela với phong trào chính trị "Cách mạng Bolivar" đang là cái gai trong mắt Washington.

Mỹ trù tính rằng một khi làm suy yếu được phong trào Bolivar thì có thể mở ra một kỷ nguyên mới với xu hướng thân Mỹ và tăng cường kiểm soát mạnh mẽ Mỹ Latin. Chính sách quân sự của Mỹ, dù ông chủ Nhà Trắng có thay đổi, vẫn luôn giữ một định hướng liên tục, đó là gia tăng ảnh hưởng ở những khu vực mang lại lợi ích sống còn về địa chính trị, cũng như kinh tế cho Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên