Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng bên thềm cuộc gặp cấp cao tại Alaska
VOV.VN - Căng thẳng Mỹ-Trung hiện đang gia tăng trong bối cảnh quan chức cấp cao hai nước chuẩn bị có cuộc gặp tại Alaska ngày 18/3. Đây được coi là cuộc gặp cấp cao gây tranh cãi đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ lần đầu có cuộc gặp trực tiếp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska.
Ngay trước cuộc họp này, chính quyền Tổng thống Biden ngày 16/3 đã thông báo trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc và Hong Kong liên quan tới các thay đổi đối với luật bầu cử của Hong Kong đồng thời cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đơn phương cản trở hệ thống bầu cử của Hong Kong. Động thái của Mỹ là một tín hiệu rõ ràng về các kế hoạch của chính quyền Biden nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc về các hoạt động mà Washington cho rằng đã vi phạm các luật lệ và quy chuẩn quốc tế bất kể việc Bắc Kinh chỉ trích Washington đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự cuộc họp này sau chuyến thăm hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc và đây được coi là một phần của chiến lược của chính quyền Biden nhằm tiếp cận Trung Quốc từ một vị thế mạnh mẽ với sự kết hợp chặt chẽ với các đồng minh chủ chốt trong khu vực.
Trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chỉ trích Trung Quốc về các hành động gây hấn, cưỡng ép và gây bất ổn trong khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nippon, Ngoại trưởng Blinken cho biết “quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp vì có mặt đối địch, cạnh tranh và hợp tác. Tuy nhiên, điểm chung nhằm ứng phó với các mặt này là chúng ta cần đảm bảo tiếp cận Trung Quốc từ một vị thế mạnh mẽ và sức mạnh này bắt đầu từ liên minh và tình hữu nghị giữa chúng ta-những nước có cùng quan điểm, đây là những tài sản độc nhất mà chúng ta có trong khi Trung Quốc thì không.” Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh “khi chúng ta cùng phối hợp và hành động cùng nhau đồng thời cùng nêu rõ các mối quan ngại chung, điều đó sẽ mang lại sức nặng lớn hơn rất nhiều so với khi mỗi nước chúng ta hành động một mình”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã gặp trực tuyến với lãnh đạo các nước trong nhóm Bộ Tứ bao gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Mặc dù giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng sự kiện này không nhắm trực tiếp tới Trung Quốc, lãnh đạo các nước này đều chia sẻ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Chính quyền Biden không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp lần này và cho biết sẽ không có tuyên bố chung từ hai phía cũng như triển vọng về các cuộc gặp tiếp theo. Theo một số quan chức Mỹ, cuộc gặp cấp cao này sẽ chỉ ở mức thảo luận những vấn đề hai bên quan tâm nhằm nâng cao hiểu biết.
Phía Mỹ dự kiến sẽ gây sức ép đối với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và nhân quyền cũng như các hành động gây hấn của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên cũng có thể thảo luận các vấn đề bao gồm hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, Trung Quốc là một trong các thành viên của thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Biden đang tìm cách khôi phục nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran.
Tổng thống Biden đã tìm cách giảm nhiệt với Trung Quốc so với cách tiếp cận đối đầu của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Biden cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền và các hoạt động thương mại không công bằng của nước này.
Các biện pháp trừng phạt tài chính mới được công bố liên quan tới Hong Kong có thể sẽ đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ trước Mỹ.
Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quy chuẩn quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế và can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc trước cuộc gặp với Mỹ rằng quyết tâm bảo vê Chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc là rất rõ ràng đối với phía Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Biden cho rằng quyết định trừng phạt của mình nhằm bảo vệ các luật lệ và quy chuẩn quốc tế và các giá trị phổ quát. Chính quyền Biden hiện đang rà soát lại các bước chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc bao gồm các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và thỏa thuận thương mại đầu tiên với nước này. Washington cũng đang rà soát lại quan điểm quân sự đối với Bắc Kinh.
Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất Mỹ ngày 17/03 đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Biden công khai đưa ra một chiến lược chính thức nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc và giúp tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Jay Timmons nhấn mạnh “chúng ta cần một cách tiếp cận mới với Trung Quốc, mạnh mẽ và chiến lược dựa trên sức mạnh và các giá trị Mỹ và phối hợp với các đồng minh.”
Giới chức Mỹ nhận định cuộc gặp tại Alaska là dịp để Mỹ nêu các quan ngại về các hành động của Trung Quốc như việc hạn chế dự do ở Hong Kong, mở rộng vùng biển ở Biển Đông, gây sức ép kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ, vi phạm sở hữu trí tuệ và xâm nhậm mạng. Phía Mỹ cũng dự kiến sẽ đề cập tới các cách thức hai nước có thể phối hơp trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.
Trong khi đó, Bắc Kinh dự kiến sẽ gây sức ép với Washington để đảo ngược đa số các chính sách nhắm tới Trung Quốc được đưa ra dưới thời Tổng thống Trump.
Cuộc gặp tại Alaska là cơ hội để hai bên cài đặt lại mối quan hệ vốn đang căng thẳng trong các lĩnh vực phát triển công nghệ, nhân quyền, thương mại và lãnh đạo quân sự ở châu Á. Tuy nhiên, việc mang tới cuộc họp các chương trình nghị sự khác nhau là dấu hiệu cho thấy hai bên còn nhiều khoảng cách và sẽ khó có thể hàn gắn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới./.