Căng thẳng quan hệ ngoại giao Venezuela- Mỹ
VOV.VN - Ngay sau khi Chính phủ Venezuela quyết định trục xuất 3 nhân viên Lãnh sự Mỹ, Mỹ lập tức ra tuyên bố phản đối.
Trong khi đó, Venezuela cũng đã cung cấp những bằng chứng về hoạt động sai trái của các nhân viên ngoại giao trên.
Những diễn biến ngoại giao mới này một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao Mỹ-Venezuela, vốn không “thuận buồm xuôi gió” trong nhiều năm qua, nay lại thêm sóng gió.
Tổng thống Maduro ra lệnh trục xuất 3 nhân viên ngoại giao Mỹ (Ảnh Reuters) |
Phát biểu với báo giới ngày 17/2, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ các cáo buộc trên của Venezuela là “vô căn cứ và không đúng sự thật”.
Trước đó, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, ba Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Mỹ bao gồm Breeann Marie Mccusker, Jeffrey Gordon Elsen và Kristofer Lee Clark buộc phải rời khỏi lãnh thổ Venezuela trong vòng 48 giờ tới vì “đã hoạt động một cách tích cực trong việc tổ chức và khuyến khích các nhóm thanh niên quá khích gây tình trạng bạo lực tại Venezuela trong những ngày qua”.
Tổng thống Nicolas Maduro nói “Tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Venezuela ra tuyên bố “không chào đón” cũng như trục xuất 3 Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Mỹ tại Caracas và họ phải rời Venezuela”.
Theo Bộ ngoại giao Venezuela, qua điều tra, cơ quan chức năng Venezuela phát hiện trong quý 4/2013 và đầu năm 2014, ba nhân viên ngoại giao này đã thực hiện hàng loạt các chuyến viếng thăm tới các trường đại học của Venezuela dưới vỏ bọc “triển khai chương trình cấp thị thực” nhưng trên thực tế là để tiếp xúc với các nhóm thủ lĩnh sinh viên để đào tạo, cung cấp tài chính và thành lập các tổ chức thanh niên tham gia thúc đẩy các hoạt động bạo lực ở Venezuela.
Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua trong một phát biểu cũng cung cấp bằng chứng là một số công điện của Đại sứ quán Mỹ tại Caracas gửi Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị bổ sung quỹ hỗ trợ củng cố các tổ chức thành niên của xã hội dân sự, thông báo về các nhóm và tổ chức đã được cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ thành lập ở Venezuela như là một phần nỗ lực thực tế để chống lại cố Tổng thống Hugo Chavez trước đây và Tổng thống Maduro hiện nay.
Ngoại trưởng Jaua nói: “Trong năm 2011, Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela đã gửi một bức thư tới Chính phủ Mỹ yêu cầu cung cấp thêm khoản tài chính để hỗ trợ các tổ chức sinh viên và các tổ chức phi Chính phủ khác tại Venezuela. Kinh phí cho các tổ chức này rơi vào khoảng 57 triệu USD. Đại sứ quán Mỹ cũng đã yêu cầu thêm 30 triệu USD khác trong năm 2012, năm diễn ra bầu cử tại Venezuela”.
Quan hệ sóng gió Mỹ-Venezuela bắt đầu từ khi cố Tổng thống Chavez lên nắm quyền điều hành đất nước năm 1998 và thực hiện nhiều chính sách cải cách tiến bộ nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công và đưa Venezuela phát triển theo con đường “xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21”.
Sau khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng tuyên bố hy vọng về một “mối quan hệ xây dựng” với Venezuela sau nhiều năm căng thẳng. Thế nhưng cho đến nay, mối quan hệ giữa hai quốc gia này dường như chưa có những chuyển biến thực sự tích cực./.