Cảnh sát Anh bắt công dân Brazil liên quan đến vụ Snowden
VOV.VN - Chính phủ Brazil đã lên tiếng coi việc bắt giữ trên là trái pháp luật.
Chính phủ Brazil hôm 18/8 bày tỏ quan ngại trước việc một công dân nước này bị cảnh sát Anh bắt giữ và thẩm vấn tại sân bay Heathrow ở thủ đô London, của Anh, vì có liên quan đến cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden.
Thông cáo của chính phủ Brazil nêu rõ: việc bắt giữ trên là vi phạm pháp luật. Chính phủ Brazil bày tỏ hy vọng những vụ việc tương tự sẽ không tái diễn.
Nhân vật Snowden đang bị Mỹ truy nã gắt gao (ảnh: Asahi) |
Trước đó, ông David Miranda, cộng tác viên của Glenn Greenwald, phóng viên tờ báo Người bảo vệ của Anh (Guardian)- người đã xuất bản các thông tin do cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ Snowden cung cấp, đã bị tạm giữ 9 tiếng đồng hồ tại sân bay Heathrow hôm 18/8 khi ông này đang trên đường từ Đức quay trở lại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.
Tại Đức, ông Miranda đã có cuộc gặp với nhà làm phim người Mỹ Laura Poitras người cũng đã từng làm các đoạn băng tài liệu về Snowden với phóng viên Greenwald và nhật báo Người bảo vệ.
Theo phóng viên Greenwald, hành động của nhà chức trách Anh là mang tính “hăm dọa và bắt nạt”.
Ông Greenwald cũng cho biết: trong quá trình bắt giữ ông Miranda, cảnh sát Anh không hỏi ông này bất cứ câu hỏi nào về các vấn đề khủng bố hay tổ chức khủng bố mà chỉ tập trung hỏi về hoạt động tác nghiệp và cách thức các nhà báo Người Bảo vệ thực hiện, liên quan đến các chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Ông Edward Snowden -người đã làm trong lĩnh vực an ninh mạng tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), mới đây đã tiết lộ việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 2007 đã theo đuổi một chương trình tuyệt mật gọi là PRISM, cho phép cơ quan này và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu của Mỹ để thu thập thông tin, nghe lén các cuộc gọi điện thoại của hàng triệu người Mỹ ở trong nước, cũng như hoạt động Internet của những người Mỹ ở nước ngoài.
Vụ việc sau đó đã gây tranh luận trong xã hội Mỹ, cũng như khiến quan hệ giữa Mỹ với các nước châu Âu và Mỹ Latin căng thẳng./.