Cáo buộc Nga tấn công mạng, Mỹ đẩy quan hệ hai nước bên bờ sóng gió
VOV.VN - Nga cho rằng, cáo buộc của Washington nói Moscow tấn công mạng, can thiệp vào bầu cử Mỹ chỉ khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu thêm.
Các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ ngày 5/1 tuyên bố cho biết, họ tin rằng giới chức Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Tuyên bố này của giới chức Mỹ đang đẩy quan hệ giữa nước này và Nga tiếp tục căng thẳng, trong bối cảnh Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump - người chủ trương cải thiện quan hệ với Nga sắp nhậm chức.
Nga gọi những cáo buộc Nga chủ trương tấn công mạng, can thiệp vào bầu cử Mỹ là "hoàn toàn vô căn cứ". (Ảnh: Getty)
Trong một tuyên bố trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper cáo buộc rằng, Nga có “lịch sử lâu đời” can thiệp vào các cuộc bầu cử, song cộng đồng tình báo Mỹ chưa từng chứng kiến một chiến dịch nào trực tiếp và quyết liệt hơn nhằm can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ như trong năm 2016 vừa qua.
Theo ông Clapper, Nga đã phát động một chiến dịch toàn diện nhằm vào Mỹ, và ngoài các vụ tấn công mạng, Nga còn thực hiện các hoạt động tuyên truyền kinh điển và phao tin giả.
“Nga đã từng thừa nhận thực hiện các cuộc tấn mạng bằng cách tăng cường các hoạt động gián điệp mạng, rò rỉ dữ liệu bị đánh cắp và nhắm mục tiêu đối với các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa thể đánh giá tác động từ những hành vi này của phía Nga đối với sự lựa chọn của các cử tri”, ông Clapper nói.
Ngoài ra, trong phiên phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cả ông Clapper, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo Marcel Lettre và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers đã nhận định rằng, chỉ giới chức cấp cao nhất của Nga mới có thể cho phép các hành động đánh cắp và tiết lộ thông tin tập trung vào cuộc bầu cử gần đây tại Mỹ.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ coi các vụ tấn công mạng của Nga là mối đe dọa lớn với chính phủ, quân đội, ngoại giao, thương mại và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ.
Tuy nhiên, khi các Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng dẫn tới kết luận trên, ông Clapper lại nói rằng ông không thể công khai mọi thông tin vì lý do có thể ảnh hưởng đến nguồn tin và hoạt động tình báo.
Trong một phản ứng cáo buộc Nga xâm nhập mạng máy tính Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, Nga không có lợi ích gì đối với những dữ liệu được công bố và những kẻ cuồng loạn đang cố chuyển hướng dư luận vào nội dung cáo buộc.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã gọi những cáo buộc chống lại Nga là "hoàn toàn vô căn cứ".
“Cáo buộc của Mỹ là hoàn toàn vô lý và vô căn cứ. Họ biết rằng, Nga hoàn toàn không có tác động gì trong suốt quá trình tranh cử và bầu cử tại Mỹ. Những cáo buộc của Mỹ càng khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu thêm”, ông Putin nói
Trong khi đó, người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange nói rằng, chính phủ Nga không phải là nguồn cung cấp các email bị rò rỉ của đảng Dân chủ mà tổ chức này đã công khai trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ông Assange cũng cho rằng, việc giới chức Mỹ đưa ra những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là nhằm hạ thấp tính hợp pháp của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Kết luận của các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ có lẽ là điều không mong muốn đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người chủ trương cải thiện quan hệ với Nga sau khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng ngày 20/1.
Cho đến nay, ông Trump vẫn bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga tấn công mạng để chi phối cuộc bầu cử tổng thống mà ông là người chiến thắng. Dự kiến, ông Donald Trump sẽ sớm nhận được một báo cáo của các nhà lãnh đạo Cơ quan tình báo trung ương (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) liên quan tới vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tấn công mạng./.