Cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia, Triều Tiên gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ?
VOV.VN - Dù Mỹ đang cố gắng tiếp cận Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau, song Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục “phớt lờ” Mỹ nếu nước này không thu hồi “các chính sách thù địch” nhằm vào Bình Nhưỡng.
Thậm chí, hôm nay (19/3), Triều Tiên còn tức giận, cảnh báo Mỹ sẽ phải “trả giá đắt” khi đã gây sức ép lên Malaysia để quốc gia Đông Nam Á này bắt giữ và ra phán quyết dẫn độ 1 công dân Triều Tiên sang Mỹ.
Hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm nay cho biết, các cơ quan chức năng của Malaysia “đã phạm phải lỗi không thể tha thứ… khi bàn giao một công dân vô tội của Triều Tiên cho phía Mỹ. Do đó, Triều Tiên “cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia” và coi việc Malaysia dẫn độ công dân Triều Tiên sang Mỹ là hành động chống lại Bình Nhưỡng dưới áp lực của phía Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, công dân bị dẫn độ sang Mỹ là người “có liên quan tới những hoạt động thương mại ở Singapore” và người này bị “chụp mũ” là có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi các cáo buộc của tòa án Malaysia là một “sự bịa đặt vô lý và là âm mưu” do Mỹ - “kẻ thù chính của nước này” dàn dựng. Triều Tiên cảnh báo, Mỹ cũng sẽ “phải trả giá đắt” vì hành động này.
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ công dân Triều Tiên có tên là Mun Chol Myong đứng đầu một nhóm tội phạm vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Phía Mỹ đã yêu cầu bắt giữ người này vào năm 2019.
Phản ứng “cứng rắn” của Triều Tiên trong vụ việc còn được xem là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Mỹ giữa lúc nước này đang hoàn thiện việc rà soát, xây dựng chính sách về Triều Tiên. Từ Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 18/3 cho biết, Mỹ đang hướng tới một chính sách hiệu quả để đạt được “tiến triển thực sự” trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Tổng thống Joe Biden có kế hoạch hoàn thành việc xem xét chính sách Triều Tiên trong vài tuần tới với sự phối hợp và tham vấn chặt chẽ với các đối tác, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc xem xét bao gồm các lựa chọn gây áp lực và các cánh cửa ngoại giao tiềm năng trong tương lai. Chúng tôi cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, giảm bớt mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra cho Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân quốc gia này”, ông Blinken nói.
Truyền thông Mỹ nhận định, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sử dụng những lời lẽ “bớt gay gắt” đối với Triều Tiên nhằm tránh sự leo thang căng thẳng không cần thiết trước khi hoàn tất rà soát chính sách đối với Bình Nhưỡng. NBC news cho biết, mọi “khiêu khích Bình Nhưỡng trong lúc này sẽ đi ngược lại các mục đích của Mỹ”.
Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui xác nhận, thực tế Mỹ đã có một số nỗ lực nhằm tiếp cận Triều Tiên thông qua các kênh khác nhau kể từ giữa tháng 2/2021. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ tiếp tục phớt lờ mọi liên hệ hay đối thoại với Mỹ nếu Washington không thu hồi "các chính sách thù địch" nhằm vào Bình Nhưỡng./.