Châu Âu bất an khi Mỹ-Nga đàm phán về an ninh khu vực
VOV.VN - Ngày càng nhiều quan chức châu Âu lên tiếng chỉ trích rằng, việc châu Âu bị loại khỏi các đàm phán này là không chấp nhận được.
Trong khi các quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Nga đã chính thức gặp nhau trong hai cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ về các vấn đề an ninh tại châu Âu, xoay quanh căng thẳng ở biên giới Ukraine, ngày càng nhiều quan chức châu Âu lên tiếng chỉ trích rằng, việc châu Âu bị loại khỏi các đàm phán này là không chấp nhận được.
Trong tối Chủ nhật, ngày 9/1, các đoàn đàm phán Nga, do Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov dẫn đầu và đoàn đàm phán của Mỹ, do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman dẫn đầu, đã có các tiếp xúc đầu tiên trước khi chính thức bước vào hai ngày đàm phán tại Geneva về các vấn đề an ninh tại châu Âu, trong đó có yêu cầu an ninh 8 điểm của Nga cũng như về tình hình căng thẳng quanh biên giới Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, trong lúc các quan chức Mỹ và Nga chuẩn bị bước vào đàm phán, nhiều quan chức ngoại giao hàng đầu của châu Âu tiếp tục gây sức ép với cuộc đàm phán bằng tuyên bố rằng, bất cứ thỏa thuận nào mà hai phía Mỹ-Nga bàn thảo đều cần có ý kiến của các nước châu Âu cũng như Ukraine.
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp CNews trong ngày 9/1, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune cho rằng, phía Nga đang tìm cách chia rẽ các nước phương Tây, bằng việc kiên quyết chỉ đàm phán với Mỹ mà gạt bỏ các nước châu Âu sang một bên và điều này là không thể chấp nhận được.
Theo ông Clément Beaune, đáng lẽ ra châu Âu phải góp mặt trong cuộc đàm phán này. Trước đó, trong cuộc họp báo chung tại Paris để đánh dấu việc nước Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, bất cứ một thỏa thuận nào liên quan đến tương lai cấu trúc an ninh tại châu Âu cũng không được phép vắng mặt châu Âu.
Điều này cũng đã được Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell khẳng định cứng rắn trong chuyến thăm đến biên giới Ukraine vào đầu tuần trước. “Sẽ không có an ninh tại châu Âu nếu không có an ninh cho Ukraine và điều rõ ràng là bất cứ thảo luận nào về an ninh tại châu Âu đều phải có sự góp mặt của Liên minh châu Âu và Ukraine. Bất cứ thảo luận nào về Ukraine đều cần phải có sự góp mặt trước tiên của Ukraine. Các đàm phán về an ninh tại châu Âu sẽ không thể được thực hiện khi không có không chỉ sự tham vấn, mà cả sự tham gia của châu Âu”, ông Josep Borrell nói.
Theo lịch trình đàm phán giữa Nga với các nước phương Tây, các nước châu Âu sẽ tham dự trong hai phiên đàm phán tiếp theo với Nga là tại cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels ngày 12/1 và tại cuộc họp của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu – OSCE diễn ra ở Vienna ngày 13/1. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tại châu Âu lo ngại Mỹ và Nga có thể bí mật đạt được thỏa thuận trước tại Geneva, trong đó Mỹ có thể đưa ra các nhượng bộ bất lợi cho các nước châu Âu.
Với cương vị là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, chính phủ Pháp đang đẩy mạnh các nỗ lực một mặt nhằm gây sức ép với đàm phán Mỹ-Nga tại Geneva, mặt khác cũng chuẩn bị cho châu Âu các kịch bản ứng phó. Theo kế hoạch, song song với các phiên họp của Hội đồng Nga-NATO và OSCE, Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại thành phố Brest, nằm ở Tây Bắc nước Pháp, trong hai ngày 13 và 14/1 với mục tiêu là xây dựng một gói đề xuất của riêng Liên minh châu Âu.
Phía Pháp cũng đang yêu cầu các đàm phán giữa Nga và phương Tây trong thời gian tới cần diễn ra theo các lĩnh vực riêng, với sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau, chứ không chỉ riêng Mỹ. Cụ thể, NATO sẽ thảo luận với Nga về vấn đề liên quan đến các lực lượng vũ trang thông thường; OSCE thảo luận về việc ổn định tình hình tại châu Âu và Mỹ-Nga sẽ chỉ tập trung thảo luận về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân./.