Châu Âu cần Australia để cạnh tranh với sáng kiến BRI của Trung Quốc
VOV.VN - Australia được cho là sẽ có vai trò quan trọng đối với kế hoạch Global Gateway của EU khi nước này đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Mặc dù quan hệ của Australia với Liên minh châu Âu (EU) đã bị rạn nứt sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm với Pháp và vòng đàm phán tiếp theo về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Australia với EU đã bị tạm hoãn, nhưng các động thái gần đây đang cho thấy các quốc gia châu Âu vẫn cần sự hợp tác của Australia trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vào tháng 12/2021, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch Global Gateway, hay còn gọi là Cửa ngõ toàn cầu, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đối tác và các quốc gia đang phát triển trên thế giới.
Kế hoạch đầu tư tài chính đầy tham vọng của EU, trị giá 300 tỷ Euro và được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn là 5 năm, được cho sẽ là giải pháp thay thế và cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một dự án đầu tư có tổng giá trị rất lớn, lên đến 1.500 tỷ AUD.
Tuy nhiên, BRI đang bị nhiều quốc gia coi là bẫy nợ, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp Sri Lanka buộc phải giao quyền quản lý một cảng biển cho một công ty của Trung Quốc do nước này không thể trả khoản vay của mình.
Các nhà lãnh đạo EU khẳng định chương trình đầu tư Global Gateway sẽ là một phiên bản hiện đại so với BRI, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng sạch, y tế, giáo dục và nghiên cứu. Global Gateway đặt mục tiêu là tạo ra các mối liên kết, hợp tác và phát triển chứ không nhằm mục đích tạo ra sự phụ thuộc.
Để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng của Global Gateway, dư luận cho rằng EU sẽ rất cần sự trợ giúp của các nước trong Bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Australia được cho là sẽ có vai trò quan trọng đối với Global Gateway khi nước này đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi xét về vị trí địa lý thì EU lại nằm khá xa.
Trong các tuyên bố mới nhất được truyền thông Australia trích dẫn, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell và Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen cho rằng quan hệ giữa EU và Australia đang tốt đẹp và Global Gateway sẽ đưa hai bên xích lại gần nhau hơn.
Cũng theo các quan chức cấp cao của EU, Global Gateway xác định một số dự án có tầm quan trọng hàng đầu bao gồm việc kéo dài tuyến cáp quang biển Bella kết nối châu Âu và châu Mỹ Latinh và triển khai sáng kiến hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Bắc Phi với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1,5 tỷ AUD. Ngoài ra, EU cũng đang có kế hoạch tăng cường đầu tư để đảm bảo an toàn dữ liệu, nguồn cung cấp năng lượng, đất hiếm, vaccine và chất bán dẫn.
Đây là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng rất quan trọng và Australia đang có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án tương tự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đánh giá về triển vọng quan hệ với EU, Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan cho rằng Australia và EU cùng chia sẻ các giá trị chung và cam kết vững chắc đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.
Australia hoan nghênh Sáng kiến của EU và sẽ giúp xác định các dự án mà hai bên có thể hợp tác cùng nhau ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Australia là nhà cung cấp đáng tin cậy và có chi phí cạnh tranh đối với các khoáng sản quan trọng cho EU, bao gồm cả khoáng sản để sản xuất pin và đất hiếm. Bộ trưởng Tehan cũng cho biết Australia và EU sẽ nối lại vòng đàm phán thứ 12 của thỏa thuận thương mại tự do song phương vào tháng sau. Thỏa thuận sẽ tạo ra cơ hội để phát triển quan hệ đối tác đầu tư hai chiều và tăng cường cam kết kinh tế của EU tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.