Châu Âu - châu Phi cam kết khởi động quan hệ mới hậu đại dịch
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi ngày 17/2 đã cùng đưa ra cam kết khởi động lại một mối quan hệ mới giữa hai châu lục thời hậu đại dịch, khi gặp nhau tại hội nghị Thượng đỉnh Âu-Phi lần thứ 6, diễn ra trong hai ngày 17/0 và 18/2 tại Brussels.
27 nguyên thủ các nước Liên minh châu Âu và hơn 40 lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Phi tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Phi lần thứ 6 tại Brussels với một loạt các chủ đề quan trọng được bàn thảo, trong đó trọng tâm là các cam kết mới đây của Liên minh châu Âu là sẽ đầu tư 150 tỷ euro vào châu Phi trong 7 năm tới.
Số tiền này chiếm một nửa của tổng số tiền 300 tỷ euro được huy động trong khuôn khổ chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” (Global Gateway), một đại dự án về cơ sở hạ tầng mà Liên minh châu Âu vừa tung ra cuối năm 2021 nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới, đặc biệt tại châu Phi.
Phát biểu trong ngày họp đầu tiên của Thượng đỉnh Âu - Phi chiều 17/2 tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tái khẳng định, châu Phi chính là ưu tiên đầu tiên và lớn nhất của chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” của EU và khoản đầu tư đầu tiên của chiến lược này chính là 150 tỷ euro rót vào châu Phi trong những năm tới: “Đây chính là gói đầu tiên trong chiến lược Cổng kết nối toàn cầu của châu Âu và giờ châu Âu cần châu Phi nói rõ nhu cầu của châu Phi là gì, đâu là điều tốt nhất cho người dân châu Phi. Với gói đầu tư này, châu Âu muốn thúc đẩy đầu tư trong 3 lĩnh vực, đầu tiên đương nhiên là hạ tầng, tiếp đến là năng lượng, bao gồm các lộ trình xây dựng năng lượng tái tạo cũng như việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.
Phản ứng trước các cam kết từ các lãnh đạo châu Âu, nhiều nguyên thủ châu Phi hoan nghênh các khoản đầu tư lớn từ châu Âu nhưng nhấn mạnh, quan hệ giữa hai châu lục vẫn tồn tại nhiều vấn đề lớn hiện cần phải giải quyết nhanh chóng, bao gồm bất bình đẳng vaccine, việc tái cơ cấu nợ của các nước châu Phi cũng như các hợp tác trong đấu tranh chống khủng bố.
Tổng thống Senegal, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi, ông Macky Sall cho rằng châu Âu cần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi, trong bối cảnh mới chỉ có 11% dân số châu Phi được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, con số kém xa các khu vực khác trên thế giới. Trong năm 2021, châu Âu bị nhiều nước châu Phi chỉ trích rất mạnh vì cho rằng châu Âu đã thu gom vaccine ngừa Covid-19 khiến các nước nghèo không có cơ hội tiếp cận, đồng thời châu Âu cũng kiên quyết phản đối việc bãi bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19.
Do đó, nhiều lãnh đạo châu Phi cho rằng, việc xây dựng mối quan hệ Âu-Phi mới hậu đại dịch cần được bắt đầu từ lĩnh vực y tế. Đứng trước phản ứng này từ châu Phi, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) ngày 17/2 ra thông báo cho biết sẽ dành ra khoảng 500 triệu euro vay ưu đãi cho các nước châu Phi đầu tư vào lĩnh vực y tế. Con số này có thể tăng lên 1 tỷ euro trong thời gian tới.
Một lĩnh vực gai góc khác trong quan hệ Âu-Phi thời gian tới là an ninh. Ngay trước khi Thượng đỉnh Âu - Phi diễn ra, trong sáng ngày 17/2, chính quyền Pháp đã ra thông báo nước này cùng với các đối tác châu Âu sẽ rút quân đội khỏi Mali sau 9 năm tiến hành các chiến dịch quân sự chống khủng bố tại đây, do bất đồng với nhóm tướng lĩnh đang nắm quyền ở Mali sau đảo chính. Quyết định này gây ra các lo ngại về an ninh cho nhiều nước ở Tây Phi và khu vực Sahel do đây là khu vực đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nhóm khủng bố mới, cũng như tình hình bất ổn chính trị có dấu hiệu gia tăng tại một số nước./.