Châu Âu chia rẽ về vấn đề trừng phạt Nga
VOV.VN - Tổng thống Ukraine Petro Porochenko hôm qua (16/3) bày tỏ hy vọng EU sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga nếu thỏa thuận Minsk bị phá vỡ.
Theo ông, Liên minh châu Âu không nên chỉ giữ nguyên các lệnh trừng phạt hiện nay, mà còn cần phải mở rộng nó nhằm duy trì sức ép với Nga.
“Lập trường của chúng tôi là rõ ràng, một lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Minsk là không tồn tại. Thỏa thuận này cần phải được thực thi và các bên phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình. Nếu các cam kết không được tôn trọng đầy đủ, thì tôi thực sự hy vọng rằng tại hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu diễn ra ngày 19/3 tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ra tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chỉ duy trì mà sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt với Nga” - ông Poroshenko nói.
Tuy nhiên vấn đề này lại đang gây chia rẽ Liên minh châu Âu. Trong khi một số nước thành viên muốn gia tăng các lệnh trừng phạt ngay lúc này thì một số nước lại cho rằng cần phải đợi kết quả lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine nhằm tạo cơ hội cho hòa bình.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng để áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Song bản thân nó không phải là một mục tiêu. Dù không muốn song nếu cần thiết, chúng tôi vẫn sẽ thực thi. Tuy nhiên, trước tiên chúng tôi muốn làm tất cả những gì có thể để thỏa thuận Minsk được tôn trọng”.
Trong khi đó cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại ủng hộ lập trường của Tổng thống Poroshenko khi tỏ ra hoài nghi thiện chí của Nga và cho rằng việc cần làm lúc này là duy trì sức ép.
Tại Mỹ, phát biểu sau cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng một lần nữa khẳng định, Mỹ sẵn sàng gia tăng trừng phạt với Nga nếu thỏa thuận Minsk không được tôn trọng.
Giữa tuần trước, chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 nhân vật đối lập tại Ukraine và một ngân hàng Nga, với cáo buộc nước này tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng tới miền Đông Ukraine bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được hôm 12/2./.