Châu Âu chưa viện trợ máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine
VOV.VN - Ba cường quốc lớn nhất EU là Đức, Pháp và Italy đều tuyên bố viện trợ quân sự và kinh tế bổ sung đáng kể cho Ukraine nhưng vẫn chưa đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, sau chuyến công du châu Âu chớp nhoáng của Tổng thống Zelensky.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, bất ngờ đặt chân đến thủ đô Paris của Pháp trong tối muộn ngày 14/5 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron trong đêm để bàn về các nhu cầu khẩn cấp của Ukraine.
Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Zelensky đến Pháp từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Báo chí Pháp dẫn các nguồn tin từ chính quyền Pháp cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.
Cụ thể, Pháp sẽ viện trợ thêm hàng chục xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ như AMX-10RC, đủ để trang bị cho vài tiểu đoàn Ukraine. Ngoài ra, Pháp cũng sẽ hỗ trợ Ukraine bảo trì các khẩu pháo tự hành Caesar mà Pháp đã cung cấp cho quân đội Ukraine từ năm ngoái, đồng thời đào tạo cho khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine trên đất Pháp trong năm 2023 hay phối hợp với Ba Lan đào tạo 4.000 binh sĩ Ukraine trên đất Ba Lan.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại, Pháp vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng việc thảo luận về vấn đề này vẫn là quá sớm do có quá nhiều vướng mắc trong việc đào tạo phi công.
Trước đó, trong các chuyến thăm của ông Zelensky đến Italy và Đức, phía Ukraine cũng đã tìm cách thuyết phục và gây sức ép để nhận được các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây nhưng đều không thành công, dù Đức cũng đã công bố gói viện trợ lên đến 2,7 tỷ euro cho Ukraine, trong đó bao gồm 30 xe tăng Leopard 1, 20 xe chiến đấu bộ binh Marder và 4 hệ thống phòng không IRIS-T.
Theo giới phân tích, bên cạnh mục đích duy trì được dòng viện trợ quân sự và kinh tế từ châu Âu trước các lo ngại về tình thế bế tắc trên chiến trường, chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Ukraine đến 3 cường quốc hàng đầu châu Âu còn nhằm tìm kiếm và thống nhất các chiến lược ngoại giao với các nước phương Tây trước thềm một loạt các sự kiện quốc tế lớn trong thời gian tới như Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, Thượng đỉnh EU cuối tháng 6/2023 hay Thượng đỉnh NATO tại Litva vào tháng 7/2023./.