Châu Âu dốc toàn lực giải cứu Hy Lạp
VOV.VN- ECB ngày 16/7 đã quyết định nâng mức trần cứu trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 978 triệu USD.
Cùng với đó, nhóm các Bộ trưởng tài chính đồng tiền chung Euro (Eurogroup) cũng đã đồng ý trên nguyên tắc cấp cho Aten một khoản vay trong 3 năm tới.
Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đang nhận được sự ủng hộ hết mình từ châu Âu (Ảnh AP) |
Những động thái này cho thấy đây là các bước đi tiếp theo của châu Âu dành cho Hy Lạp, ngay sau khi Quốc hội nước này nhất trí gói các biện pháp cải cách nghiêm ngặt của các chủ nợ quốc tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Frankfurt (Đức), Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi thông báo Hội đồng quản trị của ECB quyết định tăng thanh khoản khẩn cấp thêm 900 triệu Euro lên mức 90 tỷ Euro.
Ông Draghi nhấn mạnh, ECB hành động dựa trên giả định rằng Hy Lạp luôn luôn là một thành viên của khu vực đồng tiền chung Euro và động thái của Quốc hội Hy Lạp đủ để thuyết phục ECB đưa ra quyết định vừa nêu.
Tuy nhiên, để có được sự hỗ trợ đầy đủ còn phụ thuộc phần lớn vào các nhà chức trách Hy Lạp và sự ủng hộ của các nước thành viên trong khối Eurozone.
“Dựa vào những gì tích cực vừa xảy ra, chúng tôi có lý do để chấp thuận gia tăng quỹ thanh khoản khẩn cấp cho Hy Lạp. Sự gia tăng đó có thể là 900 triệu Euro. Trước đó, chúng tôi có một loạt tin tức tốt lành cho thấy sự ủng hộ của Quốc hội một số nước, mà mở đầu là Quốc hội Hy Lạp đối với gói tài chính cứu trợ bắc cầu. Những điều đó đã giúp chúng tôi khôi phục các điều kiện để quyết định gia tăng mức cứu trợ trong Quỹ thanh khoản khẩn cấp”, ông Draghi tuyên bố.
Hồi cuối tháng 6, Ngân hàng trung ương Châu Âu đã ấn định mức thanh khoản khẩn cấp cho Hy Lạp ở mức khoảng 88,6 tỷ Euro.
Thêm một bước đi khác dành cho Hy Lạp, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) cùng ngày tuyên bố nhóm này trên nguyên tắc đã thông qua chương trình cứu trợ thứ ba cho Athens trong thời hạn ba năm tới.
Bên cạnh đó, Eurogroup cũng đã sẵn sàng cấp 7 tỷ Euro cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp. Theo thông tin mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) vừa chấp thuận lấy khoản cứu trợ này từ Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (European Stability Mechanism) để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của Athens trong tháng 7 này.
Cụ thể, khi số tiền 7 tỷ Euro được giải ngân, Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại các ngân hàng, thanh toán các khoản vay trái phiếu quan trọng của ECB vào đầu tuần tới và trả hết nợ cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng, coi thể coi đây là một "phần thưởng" cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các quan chức Hy Lạp và của người dân nước này.
“Tôi đồng ý với những gì các bạn Hy Lạp của chúng tôi đã làm. Tôi hi vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ sớm đạt được những kết quả. Chúng ta phải đạt được bởi vì đó không phải cho Thủ tướng Tsipras, không phải cho chính phủ của ông ấy, cũng không phải cho Ủy ban châu Âu mà cho những người dân Hy Lạp”, ông Juncker nói.
Thông báo của Eurogroup cho biết, để tiến trình đàm phán có thể tiếp tục diễn ra suôn sẻ cần phải có sự thông qua của Quốc hội một số nước về chương trình cứu trợ Athens.
Ngày 15/7, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp với tỷ lệ ủng hộ áp đảo tại cả 2 viện. Một ngày sau, Quốc hội Phần Lan cũng đã thông qua kế hoạch tài chính bắc cầu trị giá 7 tỷ Euro của Liên minh châu Âu đồng thời nhất trí tiến hành thảo luận cung cấp gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp. Trước đó, Phần Lan từng là một trong những quốc gia châu Âu ủng hộ việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Trước những thông tin tích cực đến với Hy Lạp, Thủ tướng Tây Ban Nha và Ba Lan đã gửi tới chính quyền của Thủ tướng Tsipras sự động viên, đồng thời kêu gọi Hy Lạp thực hiện những cải cách như đã cam kết, để sớm ổn định đất nước. Nền kinh tế Tây Ban Nha nhiều năm trước cũng rơi vào hoàn cảnh giống Hy Lạp song hiện giờ đang trở lại quỹ đạo ổn định và hướng tới tăng trưởng.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan đang ở thăm Madrid, Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy khẳng định: “Bài học rất rõ ràng từ Tây Ban Nha cho thấy, xây thì khó song phá thì rất dễ. Để xây dựng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian, song muốn phá đi thì rất nhanh chóng. Hi vọng rằng, nền kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng trở lại, việc làm được cải thiện. Nói chung mọi thứ ở Hy Lạp sẽ trở lại bình thường và trên hết cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn”./.