Châu Âu lo ngại khi Nga – Mỹ tranh cãi về Hiệp ước INF
VOV.VN - Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Nga xoay quanh việc tuân thủ hiệp ước INF đã khiến dư luận châu Âu không khỏi quan ngại.
Căng thẳng Nga – Mỹ xoay quanh Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong những ngày tới sau khi giới chức Nga ngày 5/12 cho biết Nga sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Nga xoay quanh việc tuân thủ hiệp ước đã khiến dư luận châu Âu không khỏi quan ngại.
Tranh cãi về Hiệp ước INF giữa Nga và Mỹ khiến châu Âu lo ngại. Ảnh: Yahoo
Chỉ một ngày sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ cáo buộc Nga không tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), phát biểu trên truyền hình ngày 5/12, Tổng thống Nga Putin đã nói rằng, ông phản đối việc phá bỏ thỏa thuận, song Mỹ từ lâu đã muốn rút khỏi thỏa thuận và đổ lỗi cho Nga vi phạm văn kiện này để viện cớ rút lui. Ông cảnh báo Nga sẽ phát triển tên lửa bị cấm theo thỏa thuận có từ thời Chiến tranh lạnh nếu Mỹ rút khỏi INF. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh, việc NATO cáo buộc Nga không tuân thủ INF chỉ là cái cớ để Mỹ rời hiệp ước.
Tổng thống Putin nói: “Rõ ràng mọi người đều thấy rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến sau. Từ trước đó phía Mỹ đã tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước INF. Cách bào chữa duy nhất của họ là Nga đang vi phạm hiệp ước song lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Bước đi tiếp theo là họ tìm cách đổ lỗi cho người khác. Cách dễ nhất và họ thường hay được sử dụng nhất chính là đổ lỗi cho Nga. Chúng tôi phản đối việc phá hủy hiệp ước song nếu điều đó xảy ra, chúng tôi cũng sẽ có phản ứng tương thích”.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) Viktor Bondarev cũng kêu gọi duy trì Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung. Tuy nhiên, ông Bondarev cảnh báo, trong trường hợp, Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga buộc phải bảo vệ các địa điểm có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ. Điều này sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tới cả châu Âu và Trung Quốc. Theo Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga, cách duy nhất để giải quyết tình hình một cách hòa bình là các bên phải đối thoại bình đẳng với nhau.
Nga cảnh báo nếu Mỹ rời INF, đồng minh của Washington sẽ ’lãnh đủ’
Trước đó, tại hội nghị ngoại trưởng NATO ở Bỉ, NATO đã ra một tuyên bố ủng hộ những cáo buộc của Mỹ đối với Nga, chính thức cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF, một hiệp ước loại bỏ khỏi châu Âu các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất. Ngay sau đó, Mỹ đã ra một tối hậu thư với Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, nếu Nga không tuân thủ thỏa thuận này trở lại trong vòng 60 ngày.
Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Nga xoay quanh việc tuân thủ hiệp ước đã khiến dư luận không khỏi quan ngại. Người phụ trách chính sách ngoại giao và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini ngày 5/12 kêu gọi hai nước cứu vãn hiệp ước. Theo bà Mogherini, Hiệp ước INF có vai trò đặc biệt quan trọng đối với châu Âu, là trụ cột an ninh, đảm bảo hòa bình trên lãnh thổ khu vực này trong vòng 30 năm qua.
Trong một tuyên bố trước báo giới ít ngày trước đó, bà Mogherini đã nhấn mạnh ý này: “Tôi cực kỳ quan ngại vì chúng tôi luôn tin rằng, Hiệp ước INF có tầm quan trọng đặc biệt, cần được tuân thủ và thực thi đầy đủ. Nếu có vấn đề xảy ra trong việc thực thi hiệp ước, cách đúng đắn nhất là phải duy trì thực hiện thay vì tuyên bố rút lui. Do đó, chúng tôi vẫn hy vọng các bên sẽ tăng cường thực thi thay vì xóa bỏ hiệp ước”.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ không rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga. Theo Ngoại trưởng Đức, nước này ủng hộ việc Mỹ thận trọng trong việc rút khỏi hiệp ước, bởi Đức không muốn châu Âu trở thành “sân chơi” cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo hiệp ước, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn, từ 500 – 5.500 km. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi hiệp ước, với cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước này. Đáp lại, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận./.
Nga đang chuẩn bị cho cuộc chạy đua vũ trang nếu Mỹ rút khỏi INF