Châu Âu muốn có một chiến lược quốc phòng hoàn toàn mới
VOV.VN - Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong ngày họp chính của Hội nghị An ninh Munich là vấn đề an ninh phòng thủ của châu Âu.
Lãnh đạo nhiều nước châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich đã kêu gọi gia tăng năng lực phòng thủ, đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp quốc phòng với một chiến lược hoàn toàn mới nhằm đảm bảo an ninh châu lục.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh châu Âu cần củng cố nền tảng ngành công nghiệp quốc phòng đồng thời cần xây dựng một châu Âu hùng mạnh.
Dự kiến, trong vòng 3 tuần tới, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất chiến lược công nghiệp quốc phòng. Theo đó, Liên minh châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng theo cách hiệu quả hơn trong các thỏa thuận quốc phòng và hợp đồng mua sắm chung, nhằm tăng cường khả năng dự đoán của các tập đoàn trong ngành cũng như tăng cường khả năng phối hợp và tương tác giữa các lực lượng vũ trang của các nước thành viên.
Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, các chương trình quốc phòng của châu Âu cần tính đến Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này chưa kết thúc. Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban châu Âu sẽ mở một văn phòng ở Ukraine phụ trách vấn đề đổi mới quốc phòng.
Chia sẻ quan điểm này với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một phiên thảo luận tại hội nghị an ninh Munich cũng nhấn mạnh, châu Âu phải tăng cường năng lực phòng thủ, bất kể kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và kết cục chiến sự tại Ukraine ra sao.
"Dù kết quả bầu cử ở bên này hay bên kia Đại Tây Dương thế nào, có một điều rõ ràng là người châu Âu chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến an ninh của chính mình trong hiện tại và cả trong tương lai. Sự sẵn sàng làm điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn và tôi đã nói điều này với cả Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ tuần trước.”
Thủ tướng Đức cũng cho biết, Đức đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 2%, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội và sẽ tiếp tục thúc đẩy mục tiêu này trong liên minh phòng thủ của phương Tây. Cùng với đó, Đức cũng đang thảo luận với các nước Pháp và Anh trong sản xuất vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, có khả năng hoạt động từ xa, nhằm đảm bảo chiến lược răn đe của Đức vẫn theo kịp những tiến bộ công nghệ hiện đại.
Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh, ông mong muốn các quyết định tương tự sẽ được thực hiện ở tất cả các thủ đô châu Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu.
Những tuyên bố của lãnh đạo Liên minh châu Âu tại hội nghị an ninh Munich diễn ra trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đến nay đã gần bước sang năm thứ 3 liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi đó, nước Mỹ - đồng minh thân cận của các nước Liên minh châu Âu trong khối quân sự NATO – đang chuẩn bị tiến hành bầu cử Tổng thống mới.
Cựu Tổng thống Donald Trump- người đang có khả năng cao trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, mới đây đã có tuyên bố gây sốc khi khẳng định rằng, Mỹ sẽ không thể bảo vệ các đồng minh NATO nếu họ không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng. Phát biểu hàm ý “bỏ rơi” đồng minh NATO này của ông Trump đã khiến các nước Liên minh châu Âu không khỏi bàng hoàng.
Hội nghị An ninh Munich 2024 diễn ra từ ngày 16/2-18/2. Hôm nay, hội nghị sẽ tiếp tục ngày họp cuối cùng, tập trung thảo luận về vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu với các đối tác.
Kể từ khi được hình thành cách đây 60 năm, Hội nghị An ninh Munich đến nay vẫn là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách.
Ngoài sự kiện quan trọng nhất là hội nghị thường niên, Hội nghị An ninh Munich còn thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp cao về các chủ đề và khu vực cụ thể, đồng thời xuất bản Báo cáo An ninh Munich hằng năm, tập hợp các số liệu và nghiên cứu liên quan về những thách thức an ninh quan trọng.