Châu Âu muốn quay trở lại với điện hạt nhân
VOV.VN - Tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân, nhiều lãnh đạo từ các nước châu Âu ủng hộ hạt nhân và các chuyên gia năng lượng đã lên tiếng kêu gọi phục hồi năng lượng hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân hôm nay (21/3) đã khai mạc tại thủ đô Brussels, Bỉ. Nhiều nhà hoạt động môi trường đã tổ chức biểu tình để phản đối đảo ngược xu hướng từ bỏ năng lượng hạt nhân bên ngoài hội nghị. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo từ các nước châu Âu ủng hộ hạt nhân và các chuyên gia năng lượng đã lên tiếng kêu gọi phục hồi năng lượng hạt nhân.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Von Der Leyen cho rằng mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau trong các nước thuộc Liên minh Châu Âu về năng lượng hạt nhân, nhưng bà tin rằng công nghệ hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Bà Von Der Leyen nói: "Do tính cấp bách của thách thức khí hậu, các quốc gia cần cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn thận trước khi từ bỏ nguồn điện có lượng phát thải thấp sẵn có. Mở rộng hoạt động an toàn của các lò hạt nhân có sẵn là một trong những cách rẻ nhất để đảm bảo nguồn điện sạch trên quy mô lớn. Việc này có thể giúp mở ra một con đường hiệu quả về chi phí để đạt được mức phát thải bằng 0.”
Sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 trong thảm họa kép động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, nhiều nước châu Âu đã từ bỏ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, trước sức ép phải giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, nhiều quốc gia đang suy nghĩ đảo ngược xu thế từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro cho biết nước này sẽ nỗ lực kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân trong khi liên tục suy nghĩ về vụ sự cố hạt nhân tại Fukushima để đảm bảo rằng an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
Ông Masahiro khẳng định: "Nhật Bản sẽ nỗ lực thúc đẩy việc khởi động các nhà máy điện hạt nhân, kéo dài thời gian hoạt động và thúc đẩy việc phát triển và xây dựng các lò phản ứng tiên tiến thế hệ mới. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thông qua hợp tác toàn cầu và cố gắng thiết lập chuỗi cung ứng mạnh mẽ".
Ngay trước khi hội nghị diễn ra, các nhà hoạt động môi trường đã tổ chức biểu tình phản đối. Các nhà hoạt động kêu gọi chính phủ các nước tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo thay vì hướng sự quan tâm trở lại năng lượng hạt nhân.
Năng lượng hạt nhân không còn được ưa chuộng ở châu Âu vì những lo ngại về an toàn sau sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Chính phủ Đức đóng cửa ngay lập tức 6 nhà máy hạt nhân và loại bỏ dần các lò phản ứng còn lại. Ba cơ sở hạt nhân cuối cùng của Đức đã ngừng hoạt động vào tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga và cam kết của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đã thúc đẩy xu hướng quan tâm trở lại năng lượng hạt nhân.