Châu Âu muốn thoát ác mộng “thắt lưng buộc bụng"
(VOV)-Thủ tướng Italia đang có chuyến công du nhiều nước châu Âu để vận động cho một gói kích thích kinh tế ở cấp độ khu vực.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italia Enrico Letta cho biết vẫn đang kiên định với mục tiêu giảm nợ công mà Liên minh châu Âu đề ra đối với nước này. Tuy nhiên, theo ông Létta, sự quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng giờ đây phải được áp dụng cho những chính sách tăng trưởng.
Nhất trí với quan điểm này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng bây giờ là lúc châu Âu cần phải chuyển hướng sang tăng trưởng kinh tế và việc làm, đặc biệt là cho thanh niên, thành phần đông đảo trong lực lượng thất nghiệp kỷ lục của châu Âu vì cuộc khủng hoảng nợ công những năm qua.
Tuy nhiên tại Berlin, Đức, nước được coi là “chủ nợ” lớn nhất trong Liên minh châu Âu, lời kêu gọi của ông Létta nhận được một phản ứng thận trọng hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng: “Đối với nước Đức chúng tôi, củng cố ngân sách và tăng trưởng là 2 yếu tố không hề trái ngược, thậm chí là cùng phát triển. Chúng ta có thể vừa tạo ra tính cạnh tranh cao hơn, vừa tạo thêm việc làm. Đề xuất về ổn định tài chính trung hạn của chúng tôi đang được thảo luận tại Quốc hội. Trong đó chúng tôi chỉ ra rằng, đấu tranh với tình trạng thất nghiệp kỷ lục hiện nay là vấn đề trọng tâm đối với cả châu Âu. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta đầu tư nhiều bao nhiêu thì các công ty có thể tự do hoạt động và sẵn sàng tạo ra nhiều việc làm bấy nhiêu”.
Sau Đức và Pháp, hôm nay ông Letta lại có mặt ở Brussels, Bỉ, để tiếp xúc với các lãnh đạo châu Âu, hối thúc thực hiện chính sách phát triển kinh tế trên phạm vi toàn khu vực.
Giới phân tích nhận định, chuyến công du châu Âu của ông Letta như một cuộc vận động hành lang để thúc đẩy một sự chuyển đổi sang chính sách tăng trưởng. Đây vốn là đề xuất của Pháp nhưng bị gạt sang bên lề nhiều lần vì điều kiện ngân sách của các nước gặp khó khăn chưa thể đáp ứng được yêu cầu cùng lúc vừa phải đẩy mạnh chi tiêu để kích thích kinh tế, vừa phải “thắt chặt hầu bao” để tiếp tục đưa nợ công về mức an toàn. Cái lý của việc thúc đẩy tăng trưởng đã rõ ràng, song vấn đề còn lại là liệu các nước đang gặp khó khăn ở châu Âu đã sẵn sàng đón nhận một luồng gió mới hay chưa./.