Châu Âu nỗ lực giành lại niềm tin của công chúng

VOV.VN - Các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét có những thay đổi mang tính cách mạng để đáp ứng các yêu cầu của người dân.

Nhằm tìm cách đối phó với sự thất vọng của các cử tri châu Âu đối với các chính sách của khối và giành lại niềm tin của công chúng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/5 đã có cuộc gặp nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong EU. 

Bước vào phòng họp, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tránh nảy sinh những tranh cãi xung quanh việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker một ứng cử viên của các đảng trung hữu, trở thành người đứng đầu Uỷ ban châu Âu.

Thủ tướng Đức Merkel lên tiếng ủng hộ cựu Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker trở thành người đứng đầu Ủy ban châu Âu (Ảnh AFP)

Ông Juncker thuộc khối các Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hiện đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Nếu ông Juncker không giành được sự ủng hộ của 376 nghị sỹ trong Nghị viện 751 thành viên thì ông Martin Schulz thuộc khối các Đảng Xã hội về nhì sẽ là ứng viên thay thế.

Trong trường hợp lãnh đạo các quốc gia thành viên không chấp nhận cả 2 ứng viên này thì EU sẽ rơi vào khủng hoảng thể chế.

Như thường lệ, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn được coi là người có tiếng nói lớn nhất tại cuộc họp về các vấn đề của châu Âu. Bà Merkel đã công khai ủng hộ ông Juncker thay thế cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu của người đương nhiệm Manuel Barroso.

“Là một thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu, tôi ủng hộ ông Jean-Claude Juncker như một ứng cử viên sáng giá cho cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Tôi tôn trọng hiệp ước. Chúng ta cần phải đưa ra quyết định về việc bổ nhiệm nhân sự cho châu Âu trước mùa hè tới”, bà Merkel nói.

Ủng hộ quan điểm này của Đức là Anh, Hungary và Thụy Điển. Cho tới nay cũng chưa có ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau vào ngày 26-27/6, nhằm đi đến quyết định về việc bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.

Lãnh đạo 28 nước thành viên cũng nhất trí xem xét lại các ưu tiên chính sách của tổ chức này nhằm giành lại niềm tin của công chúng, sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Với việc các đảng cực hữu và các đảng chủ trương chống EU giành lợi thế chưa từng có tại một số quốc gia thành viên như Pháp, Anh, Đan Mạch trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vừa qua, 28 nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa về định hướng tương lai của sự hội nhập châu Âu.

Rút ra bài học từ cuộc bầu cử không mấy suôn sẻ khi một phần tư ghế trong Nghị viện châu Âu được nhường lại cho các đảng phản đối hội nhập Liên minh châu Âu, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng họ cần phải tìm cách để tái định hướng những công việc của khối, đáp ứng mong mỏi của các công dân châu lục này.

Thủ tướng Anh David Cameron nêu rõ: “Đây là một thông điệp rõ ràng, đó là EU không thể thờ ơ với kết quả này như trước đây được nữa. Chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới rằng, châu Âu cần tập trung vào những vấn đề quan trọng như việc làm và tăng trưởng. Chúng ta cần làm nhiều hơn cho các quốc gia thành viên và chúng ta cần những người có thể xây dựng một châu Âu cởi mở, cạnh tranh và linh hoạt”.

Cùng quan điểm này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đưa ra một thông điệp tương tự: “Châu Âu cần phải thấy những gì đã xảy ra ở Pháp. Vai trò của tôi ở đây là để tiếp tục làm những gì mà tôi đã làm trong suốt 2 năm qua: tái định hướng châu Âu mạnh mẽ hơn nữa, bởi trong vài năm qua, châu Âu đã không đáp ứng những mong đợi. Những cử tri ở Pháp và những nơi khác đang bày tỏ sự phản đối với châu Âu. Tôi là một người dân châu Âu và tôi muốn châu Âu thay đổi”.

Mặc dù hầu hết các nhà lãnh đạo đều nhất trí về sự cần thiết phải hồi sinh nền kinh tế, song cũng có những ý kiến lo ngại rằng, liệu họ có thể tìm được tiếng nói chung trong cách thức tiến hành hay không.

Trong khi Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi muốn nới lỏng các chính sách khắc khổ về ngân sách, nhằm mở đường cho đầu tư công và thúc đẩy tăng trưởng, thì Thủ tướng Anh Cameron lại kiên quyết cho rằng quyền quyết định về các vấn đề liên quan nên được trao lại cho Chính phủ các nước và cụm từ “một liên minh thân cận hơn bao giờ hết” không nên xuất hiện quá nhiều trong các hiệp ước của Liên minh châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên