Châu Âu thận trọng trước diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ
VOV.VN - Hầu hết các lãnh đạo châu Âu đều gọi kiên nhẫn và thận trọng chờ đợi kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ
Khi cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ đang diễn ra với kịch bản rượt đuổi gắt gao giữa hai ứng cử viên, đồng thời tràn ngập các thông tin sai lệch, hầu hết các lãnh đạo châu Âu đều gọi kiên nhẫn và thận trọng chờ đợi kết quả chính thức.
Là một trong số rất ít các quan chức chính phủ các nước châu Âu lên tiếng về những diễn biến căng thẳng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, bà Arancha Sanchez Laya kêu gọi các bên tại Mỹ kiên nhẫn và kiểm từng phiếu một cho đến khi tất cả các phiếu bầu hợp lệ đều được kiểm.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình Đức ZDF, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret-Kramp Karrenbauer bày tỏ sự lo ngại về những gì đang diễn ra tại Mỹ và cho rằng, các diễn biến hiện nay có nguy cơ bùng nổ và tạo nên một cuộc khủng hoảng hiến pháp tại Mỹ.
Trong số các chính phủ châu Âu, các quan chức Đức là những người lên tiếng nhiều nhất về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong vài ngày qua. Cùng ngày 4/11, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmeier cũng tuyên bố cần chờ đợi tất cả các phiếu được kiểm để biết chắc ai là người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Trước đó, ông Altmeier cũng từng chia sẻ nhận định của mình rằng, cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ rất gắt gao và sẽ tạo nên nhiều tranh cãi. Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng nhận xét, việc cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ chỉ tập trung vào các vấn đề đối nội là điều không tốt đối với các đồng minh.
Hiện Đức đang là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU và trước thềm cuộc bầu cử tại Mỹ hôm 3/11, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: Đức muốn cùng Tổng thống mới của Mỹ, bất kể là ai sẽ tạo dựng một mối quan hệ hợp tác mới, trong bối cảnh quan hệ song phương có những rạn nứt lớn trong vài năm qua.
Trong khi đó tại Anh, trong phiên họp Nghị viện Anh chiều 4/11, lãnh tụ Công đảng đối lập là Keir Starmer đã lên tiếng chỉ trích các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và yêu cầu Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận về diễn biến tại Mỹ.
“Dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao, xin hỏi liệu Ngài Thủ tướng có đồng ý với tôi rằng, một ứng cử viên không có quyền quyết định về việc phiếu nào được kiểm, phiếu nào không được kiểm và khi nào ngừng kiểm phiếu hay không? Vị Tổng thống tiếp theo của Mỹ phải là một lựa chọn tự do và công bằng của người dân Mỹ”, ông Keir Starmer nói.
Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu từ Công đảng đối lập, Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối trả lời và cho biết chính phủ Anh không bình luận về tiến trình dân chủ của một nước đồng minh.
Về phần mình, Liên minh châu Âu cũng cho biết cần chờ đợi kết quả cuối cùng tại Mỹ. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell khẳng định: “Người dân Mỹ đã bỏ phiếu lựa chọn và trong khi chờ đợi kết quả, Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng tiếp tục xây dựng một mối quan hệ đối tác liên Đại Tây Dương mạnh với Mỹ”.
Trong lúc đa số chính phủ các nước châu Âu vẫn giữa thái độ im lặng và thận trọng chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tại Mỹ, thì hầu hết báo chí châu Âu nhận định, cuộc bầu cử Tổng thống lần này đã phơi bày một nước Mỹ bị chia rẽ chưa từng có, đồng thời để lộ những lổ hổng lớn trong hệ thống bầu cử tại Mỹ.
Tờ Le Monde của Pháp chiều 4/11 có bài xã luận “Nước Mỹ: Một nền dân chủ đang gặp hiểm nguy”, trong đó nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm tuyên bố chiến thắng khi việc kiểm phiếu tại nhiều bang quyết định chưa hoàn tất là một sự coi thường, bất chấp đối với nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.
Bài báo cũng nhận định, ông Donald Trump đang sử dụng chiến thuật gây hỗn loạn để đạt được mục đích của mình, khi liên tiếp tung các thông tin sai lệch và chưa được kiểm chứng về việc gian lận bầu cử.
Tờ The Guardian của Anh cũng có các bài xã luận tương tự, công kích việc ông Donald Trump sớm tuyên bố thắng cử và nhận định, “đó là nền dân chủ của xứ Trump, chỉ vì ông ấy nói thế”.
Tờ báo này cũng nhận định, nước Mỹ đang bị chia rẽ một cách nguy hiểm chưa từng thấy trong vòng 3 thập kỷ qua và “cho dù ai là người chiến thắng thì ông Donald Trump cũng đã làm được một việc là biến nền dân chủ Mỹ thành kẻ thua cuộc”.
Trong khi đó, tờ Deustche Welle của Đức thì nhận định, việc có một số lượng lớn cử tri Mỹ vẫn bỏ phiếu cho ông Donald Trump bất kể những gì đã diễn ra trong 4 năm qua mới là điều đáng lo ngại nhất, bất kể ai sẽ là ông chủ mới của Nhà Trắng./.