Châu Âu với những rắc rối mang tên Hy Lạp
VOV.VN - Trong ngày 7/7, các nhà lãnh đạo khu vực eurozone nhóm họp để thảo luận về các biện pháp đối phó với "con nợ" Hy Lạp.
Trước đó, tối 6/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Francois Hollande đã có cuộc gặp tại Paris đồng thời ra thông báo ngắn gọn mà trong đó, bà Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hy Lạp có "trách nhiệm" với các cải cách nền kinh tế của mình; còn ông Hollande kêu gọi châu Âu hãy thể hiện "tình đoàn kết" với Hy Lạp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và ông Francois Hollande (ảnh: AFP) |
Thông điệp của họ hé lộ về cách thức giải quyết vấn đề Hy Lạp và cho thấy một tinh thần chung của các cuộc đàm phán quan trọng trong ngày 7/7. Đầu tiên là cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính khối Khu vực đồng tiền chung châu Âu, sau đó là một hội nghị thượng đỉnh của 19 nhà lãnh đạo các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Nếu các cuộc họp đó không mang lại kết quả, việc Hy lạp không trả được một khoản nợ cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/7 tới rốt cuộc có thể sẽ tước mất của nước này tư cách thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu, và đặt toàn bộ tương lai của đồng tiền chung này vào bất ổn.
Trước những bất ổn đó, liệu các chủ nợ có sẵn sàng rút lại những đòi hỏi và chấp thuận cấp thêm khoản tiền cứu nguy cho Hy Lạp hay không? Câu trả lời hiện vẫn còn để ngỏ, nhưng có một điều mà ai cũng biết, đó là cuộc khủng hoảng này đang xảy ra đối với đồng tiền chung của nhóm 19 quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu và ảnh hưởng lớn tới tương lai của cả khối gồm 28 nước, vì vậy, không có lợi cho cả Hy Lạp lẫn Liên minh châu Âu.
Việc không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế cũng có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đưa vào sử dụng trở lại đồng nội tệ Drachma. Song việc dùng đồng nội tệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính nặng nề như hiện nay có thể dẫn tới khả năng đồng Đrác-ma mất giá nhanh, lạm phát phi mã dẫn tới hệ lụy còn khó lường hơn.
Trong khi đó, dù ở vị thế “người có tiền” nhưng các chủ nợ, nhất là châu Âu, cũng phải đau đầu lo ngại trong trường hợp Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu, thậm chí xấu nhất là cả Liên minh châu Âu. R
õ ràng hiện Liên minh châu Âu cũng như Ngân hàng trung ương châu Âu chưa có tiền lệ, kịch bản cho diễn biến được cho là sẽ gây ra tác động hết sức tiêu cực với tương lai ổn định của cả liên minh. Đó là chưa kể nhóm các chủ nợ, nhất là Liên minh châu Âu, có thể sẽ bị quy trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Hy Lạp trong trường hợp nước này buộc phải tuyên bố vỡ nợ do không nhận được gói cứu trợ mới. Không những thế, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp rất có thể kéo theo nhiều quốc gia sụp đổ theo.
Ông Julien Manceaux, nhà phân tích kinh tế tại công ty đầu tư quốc tế ING có trụ sở tại Hà Lan nói: “Từ Hy Lạp người ta sẽ nhìn vào mắt xích yếu nhất tiếp theo là Bồ Đào Nha. Rất có thể có những suy đoán Bồ Đào Nha cũng theo chân Hy Lạp ra khỏi khối. Trong thời gian tới, chúng tôi nghĩ việc này không xảy ra, nhưng rõ ràng nó làm suy yếu đồng euro”.
Cuộc đối đầu giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ đang đưa đến một cuộc chiến cân não giữa hai bên. Ai nhượng bộ, nhượng bộ đến đâu và như thế nào, hay đàm phán sẽ đổ vỡ để “quả bom Hy Lạp” phát nổ… đang phụ thuộc vào cuộc họp thượng đỉnh Khu vực đồng tiền chung châu Âu diễn ra ngày 7/7 cũng như đàm phán sau đó giữa nhóm chủ nợ với chính phủ Hy Lạp trong những ngày tiếp theo.
Chưa từng có một quốc gia nào trước đó rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu gồm 19 thành viên, được thành lập vào năm 1999. Nhưng trong những ngày tới, Hy Lạp rất có thể trở thành thành viên đầu tiên rơi vào tình cảnh này./.