Chỉ số khốn khổ của Hàn Quốc tăng cao
VOV.VN - Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) vừa công bố "Chỉ số khốn khổ" (Misery Index) trong quý I năm nay là 10,6 điểm, cao nhất kể từ khi bắt đầu có chỉ số này vào quý I/2015.
Chỉ số khốn khổ được nhà kinh tế học người Mỹ Arthur Okun lập ra, được tính bằng tổng của tỷ lệ tăng giá tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp. Theo đài KBS, từ quý I/2015, Chỉ số khốn khổ của Hàn Quốc đã được công bố trong đó áp dụng "tỷ lệ thất nghiệp mở rộng", gộp cả những người làm việc dưới 36 giờ/tuần, mong muốn làm thêm công việc khác hoặc có khả năng xin việc.
Chỉ số này từng giảm xuống dưới 10 điểm cho tới năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp mở rộng đã cao đỉnh điểm 9,1% vào quý I năm ngoái do các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19, khiến Chỉ số khốn khổ tăng lên 10,5 điểm. Tới quý 3 cùng năm, tỷ lệ thất nghiệp mở rộng giảm xuống 6,6%, dẫn đến Chỉ số khốn khổ giảm xuống 9,1 điểm. Từ quý I năm nay, giá nguyên vật liệu quốc tế tăng cao, giá tiêu dùng cũng leo thang, tỷ lệ thất nghiệp mở rộng tăng lên thành 9,8%, khiến Chỉ số khốn khổ quý I/2022 đạt mức cao kỷ lục.
Nếu áp dụng tỷ lệ thất nghiệp công bố chính thức thì Chỉ số khốn khổ quý I năm nay là 7,3, cũng là cao nhất kể từ sau quý I/2015.
Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc phân tích nếu Chỉ số khốn khổ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước thì tiêu dùng tư nhân sẽ giảm đi 0,13%. Chỉ số khốn khổ tăng cao thì tiêu dùng sẽ co hẹp, kéo theo đó là thất nghiệp gia tăng, chỉ số khốn khổ lại tiếp tục gia tăng, tạo một vòng tuần hoàn tiêu cực lên nền kinh tế./.