“Chìa khóa” cho cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh
VOV.VN - “Chìa khóa” để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao căng thẳng ở vùng Vịnh được cho là phụ thuộc vào Qatar.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng tin Al Arabiya của Saudi Arabia, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Adel al-Jubeir cho biết “chìa khóa” để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao căng thẳng ở vùng Vịnh phụ thuộc vào Qatar.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng tin Al Arabia về việc dư luận quốc tế cho rằng hiện nay, Saudi Arabia đang giữ vai trò quyết định giải quyết cuộc khủng hoảng này chứ không phải Qatar và đâu giải pháp cho cuộc khủng hoảng, Ngoại trưởng Jubeir nêu rõ:
“Tôi cho rằng giải pháp rất dễ. Đó là Qatar thay đổi chính sách theo cam kết Riat 2014, cũng như ngừng tài trợ cho các nhóm cực đoan, khủng bố, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Điều này rất dễ. Nếu Qatar thực hiện những điều này, đó là quyết định tốt nhất. Tôi tin rằng các nước sẽ tiếp tục nối lại quan hệ với Qatar và đây cũng là mối quan tâm của tất cả các nước trong khu vực đang bị khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đe dọa".
Thế giới tiếp tục nỗ lực hòa giải khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh
Ông Jubeir cho biết, các quốc gia vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đang chuẩn bị một bản dự thảo mới đối với Qatar, trong đó tiếp tục cập nhật danh sách của những kẻ khủng bố bao gồm những người và các tổ chức được Qatar hỗ trợ, lưu ý rằng một số phần tử nằm trong danh sách của Liên Hợp Quốc và một số khác nằm trong danh sách của Mỹ cung cấp.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách hỗ trợ giải quyết khủng hoảng ở vùng Vịnh thông qua con đường ngoại giao và mong muốn được kết thúc vào cuối của tháng Ramadan.
Khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh: “Điều tồi tệ nhất đã qua”
Phát biểu tại Istanbul hôm nay, 17/6, ông Recep Tayyip nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa với tất cả các nước, đồng thời nhấn mạnh Saudi Arabia đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh hiện nay. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cần giải quyết cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt và các nước Hồi giáo không nên áp đặt lệnh trừng phạt lẫn nhau.
Trước đó, ngày 5/6 vừa qua, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ những kẻ cực đoan, các tổ chức khủng bố và can thiệp công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ các cáo buộc này./.