Chia rẽ sâu sắc cản trở giải pháp chấm dứt khủng hoảng Ukraine

VOV.VN - Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là bằng chứng rõ ràng về sự đối đầu Đông-Tây chưa lúc nào nguôi ngoai.

Tổng thống đắc cử Ukraine Poroshenko đang  nhận được ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh phương Tây, với những khoản hỗ trợ quân sự ngay lập tức hàng triệu USD. Trong khi đó, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine tiếp tục leo thang, buộc người dân phải sơ tán. Đây là chủ đề nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Hội nghị G7 trong những ngày qua, song những chia rẽ sâu sắc đã không giúp ích cho tình hình Ukraine hiện nay.

Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Ba Lan, ông Poroshenko đã nhận được những cam kết hỗ trợ chủa Mỹ về tài chính lẫn an ninh (Ảnh: AP)

Trong những phát biểu đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống Ukraine, ông Poroshenko hôm qua (4/6) đã nhắc đến khả năng sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại Pháp khi tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi Normandy.

Phát biểu trong buổi họp báo khi đang ở thăm thủ đô Warsaw của Ba Lan, ông Poroshenko cho biết: “Một cuộc gặp giữa tôi và ông Putin chưa được lên kế hoạch, nhưng tôi không loại trừ khả năng nó có thể diễn ra. Tại Warsaw, tôi đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Canada và Mỹ. Chúng tôi đã thảo luận một kế hoạch hòa bình chi tiết, mà tôi dự kiến sẽ công bố trong lễ nhậm chức Tổng thống Ukraine sắp tới”.

Với chủ trương "Một cách sống mới" đề ra trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Poroshenko đã mô tả mình là một chính trị gia "thực dụng", vừa hy vọng sẽ cải thiện quan hệ với Nga và vừa muốn thấy tương lai của Ukraine ở châu Âu.

Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Ba Lan, ông Poroshenko đã nhận được những cam kết hỗ trợ của Mỹ về tài chính lẫn an ninh. Tổng thống Mỹ bày tỏ tin tưởng vào tầm nhìn của nhà lãnh đạo mới Ukraine, đồng thời thông báo Mỹ sẽ ngay lập tức viện trợ cho quân đội Ukraine các trang thiết bị quân sự có tổng trị giá 5 triệu USD.

Về phần mình, Tổng thống đắc cử Ukraine khẳng định, trong lễ nhậm chức cuối tuần này ông sẽ công bố kế hoạch đoàn kết quốc gia và xây dựng hòa bình ở miền Đông.

Xoa dịu chiến sự căng thẳng ở miền Đông Ukraine sẽ là thách thức trước tiên của Tổng thống đắc cử Poroshenko trên con đường chấm dứt khủng hoảng và khôi phục kinh tế đất nước. Trong diễn biến mới nhất, giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng vũ trang đòi ly khai tại khu vực Donetsk nổ ra dữ dội trong 2 ngày qua. Chính phủ Ukraine cho biết, các đợt tấn công của quân đội bằng máy bay chiến đấu, trực thăng quân sự và đại pháo nhằm vào thành phố Slavyansk và một số khu vực khác tại Donetsk trong 2 ngày qua đã làm hơn 300 tay súng đòi ly khai thiệt mạng và 500 người bị thương.

Cuộc giao tranh tại Slavyansk đã buộc nhiều người dân phải sơ tán. Trong khi lực lượng chống đối cho rằng con số thương vong mà chính phủ công bố bao gồm cả các binh sĩ quân đội. Trước tình hình chiến sự leo thang, giới chức quân sự Ukraine yêu cầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia xem xét áp đặt thiết quân luật tại Donetsk và Lugansk.

Chiến sự căng thẳng tại miền Đông Ukraine cũng làm nóng lên bầu không khí thảo luận về khủng hoảng Ukraine tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO và cuộc gặp của các nước G7. Cuộc khủng hoảng Ukraine là bằng chứng rõ ràng về sự đối đầu Đông-Tây chưa lúc nào nguôi ngoai.

Với những ràng buộc về lợi ích kinh tế, năng lượng, các bên vẫn phải tìm kiếm những cơ hội để xoa dịu mọi căng thẳng. Dự kiến, Ngoại trưởng Nga-Mỹ sẽ có cuộc gặp song phương hôm nay (5/6) tại Paris, Pháp, trong đó có thảo luận về khủng hoảng Ukraine. Nhà lãnh đạo các nước vẫn luôn để ngỏ khả năng đàm phán, coi đây là cầu nối tốt nhất để giải quyết vấn đề lúc này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên