Chiến lược của NATO ở Trung Đông có gì mới?

Can dự sâu hơn vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông là một trong những chính sách quan trọng của NATO

Sau khi cuộc chiến tại Libya kết thúc, NATO tự đánh giá và cho rằng, tổ chức này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức về an ninh tại khu vực Trung Đông, trong đó xu hướng phát triển không rõ ràng của cục diện tình hình khu vực Tây Á - Bắc Phi, khả năng không thể kiểm soát vấn đề hạt nhân của Iran sẽ là những nguy cơ lớn nhất. Do đó, NATO sẽ triển khai điều chỉnh chiến lược xoay quanh các nguy cơ nói trên.

Can dự sâu hơn vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông là chính sách đã được NATO hoạch định rất sớm (Ảnh: anunews.net)

Từ chính sách hiện nay

Tích cực tham gia vào quá trình tái thiết Libya: Hành động quân sự của NATO đối với Libya đã kết thúc, tuy nhiên tiến trình tái thiết tại Libya còn rất lâu dài. NATO tiếp tục cảnh báo cao độ về sự ngóc đầu dậy của các thế lực cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại Libya, do đó sự can dự của các nước phương Tây vào các công việc của Libya nhiều khả năng sẽ phải kéo dài. Các quan chức Mỹ và NATO đều tỏ ý muốn giúp đỡ Libya về mặt quân sự sau chiến tranh.

Tổng Thư ký NATO ông Rasmussen nhấn mạnh, nếu được Chính quyền Libya yêu cầu, NATO sẽ sẵn sàng giúp đỡ nước này trong các lĩnh vực như cải cách quốc phòng và an ninh… Theo Đại sứ Mỹ tại NATO Daalder, NATO có đầy đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách thể chế quốc phòng, do đó có thể đào tạo quân đội và giúp đỡ Libya xây dựng Bộ Quốc phòng, Libya có thể tham gia vào “Cơ chế đối thoại Địa Trung Hải” của NATO, qua đó nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa Libya với NATO.

Chính sách “ném đá dò đường”: Cùng với diễn biến tình hình tại Syria, nhất là sau khi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an - Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề Syria bị phủ quyết, dư luận đang quan ngại NATO đang tìm cách để có thể tiến hành can dự quân sự vào Syria theo “mô thức Lybia” nhằm đạt được mục tiêu chiến lược khu vực của họ.

Từ tháng 11/2011 đến nay, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tuyên bố sẽ can dự vào vấn đề Syria, theo đó biện pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng sẽ là hậu thuẫn cho phe đối lập tại Syria, tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Mỹ - NATO cũng đề xuất thiết lập vùng cấm bay tại phía Tây Bắc Syria.

Các động thái gần đây của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói lên việc NATO có ý định can dự quân sự vào Syria khi điều kiện cho phép. Ý đồ của NATO là dùng Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện sách lược “ném đá dò đường”. Cùng với tình hình khủng hoảng tại Syria ngày càng gia tăng, khả năng can thiệp quân sự theo “mô thức Libya” tại Syria cũng ngày càng rõ nét. Đây cũng là sức ép đối với chính phủ và phe đối lập tại Syria buộc các bên phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không muốn kịch bản Libya lắp lại ở Syria.      

Thận trọng trong việc can thiệp vào Iran: Mặc dù, cục diện tình hình tại Iran cũng vô cùng căng thẳng, có nhiều thông tin về khả năng Mỹ và Israel sẽ can thiệp quân sự vào Iran, tuy nhiên NATO vẫn đang bày tỏ thái độ thận trọng trong vấn đề can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Ngày 18/1/2012, Tổng Thư ký NATO Rasmussen đã yêu cầu Iran đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng qua eo biển Hormuz, tuy nhiên ông cũng cho biết NATO không có kế hoạch can dự vào các vấn đề của khu vực này. Hồi đầu năm 2012, Tư lệnh tối cao liên quân EU của NATO James Stavridis cũng cho biết, NATO không tính toán đến việc can dự vào vấn đề Iran. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép lực lượng quân sự của NATO sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công Iran.

… sang can dự sâu hơn

Tích cực can dự sâu hơn vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông là chính sách đã được hoạch định rất sớm. Ngay từ tháng 10/2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh Lisbon, NATO đã đưa ra khái niệm chiến lược mới đó là “can dự tích cực, phòng ngừa hiện đại”, theo đó NATO đã đưa ra một khái niệm lý luận mới là “quản lý khủng hoảng” và nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của NATO trong giai đoạn hiện nay.

Khái niệm “quản lý khủng hoảng” nhấn mạnh “nếu nguy cơ và xung đột bên ngoài biên giới NATO tạo ra mối đe doạ trực tiếp đối với lãnh thổ và nhân dân của liên minh NATO, trong trường hợp cần thiết, NATO có thể sẽ can dự để đề phòng xung đột, quản lý nguy cơ, ổn định tình hình, sau đó sẽ ủng hộ tái kiến thiết”.

Khái niệm mới này xuất hiện trước khi NATO phát động cuộc chiến tranh ở Libya. Do đó, cùng với cục diện tình hình Trung Đông tiếp tục xấu đi, NATO nhiều khả năng sẽ tăng cường thêm một bước can dự vào khu vực này.

Chú trọng hợp tác an ninh, tăng cường quan hệ hợp tác khu vực cũng được  NATO nhấn mạnh. NATO sẽ tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác thực chất với tất cả các nước cũng như các tổ chức có nguyện vọng chia sẻ lợi ích an ninh chung với NATO trên phạm vi toàn cầu, tìm kiếm sự “hợp tác về an ninh”.

Cuộc chiến tại Libya vừa qua chính là một thực tiễn “thành công” của việc NATO đã trao quyền tham dự và quyền quyết định ngày càng nhiều hơn cho các nước đối tác và đó sẽ trở thành một mô hình tác chiến kiểu mẫu của NATO trong thời gian tới.

Trong tương lai, NATO sẽ không ngừng đẩy mạnh các quan hệ đối tác hiện có, tăng cường liên hệ và giao lưu với Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab, EU và các lực lượng chủ yếu trên thế giới.

Hướng tới xây dựng “tiểu NATO”

Sau khi hoàn thành việc rút quân khỏi Iraq, chính quyền Mỹ đã có kế hoạch tìm kiếm và phát triển quan hệ quân sự với 6 nước thành viên của “Uỷ ban các quốc gia hợp tác vùng Vịnh” nhằm thảo luận về cấu trúc phòng thủ mới tại vùng Vịnh, tiến hành tuần tra, diễn tập quân sự chung trên biển và trên không, đồng thời tiến hành hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, kế hoạch này chủ yếu nhằm đối phó với Iran cũng như diễn biến tại Iraq và Afghanistan sau khi Mỹ rút hết quân vào năm 2014. Về lâu dài, Mỹ sẽ tìm mọi cách để hướng tới xây dựng một “tiểu NATO” tại khu vực Trung Đông.  

Như vậy, chiến lược mới của NATO là tăng cường can dự sâu rộng vào khu vực Trung Đông, đặc biệt là nhiều khả năng tổ chức này sẽ áp dụng phổ biến mô hình cuộc chiến Libya trong khu vực, bao gồm cả Syria và các nước khác nếu có. Tuy nhiên, do bị Nga, Trung Quốc và nhiều nước phản đối, cùng với những khó khăn nội tình của Mỹ và EU nên việc triển khai chiến lược can dự sâu hơn và mở rộng mô hình can thiệp như Libya vẫn không thể thực hiện được.

Vì thế, trong tình hình Syria, Iran nói riêng và khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với chiến lược tích cực can dự sâu hơn của NATO vào từng nước và tăng cường hợp tác an ninh với các tổ chức khu vực, nhất là Liên đoàn Arab, khiến cho cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực rốn dầu của thế giới sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng quyết liệt hơn./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên