Chiến lược quân sự Mỹ: Cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc
Chiến lược quân sự mới của Mỹ được công bố đầu năm 2012 đã mang đến nhiều “cảm xúc” cho cả những người trong cuộc và ngoài cuộc
- Lầu Năm Góc giảm chi tiêu quốc phòng
- Tác động của kế hoạch cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ
- Mỹ không có ý định xây dựng căn cứ quân sự mới tại châu Á
- Mỹ công bố kế hoạch cắt giảm chi phí quốc phòng trong 10 năm tới
- Chiến lược quốc phòng của Mỹ không ảnh hưởng tới NMD
Ngày 5/1/2012, Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức công bố chiến lược quân sự (CLQS) mới, với 5 điểm khác biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược và sách lược quân sự của Mỹ: Giảm biên chế theo hướng tinh, gọn, phản ứng nhanh, đủ sức đánh thắng một cuộc chiến, đồng thời có khả năng ngăn chặn, làm thất bại những hành động gây hấn ở khu vực khác; Cắt giảm đáng kể lực lượng bộ binh và thủy quân lục chiến, đầu tư lớn cho không quân và hải quân, tăng cường phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng; Chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà vị thế lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế đang bị thách thức; Coi trọng vũ khí thông minh, máy bay không người lái, tăng cường tiềm lực cho tác chiến mạng và vũ trụ; Giảm kho vũ khí hạt nhân nhưng vẫn đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân trong các tình huống.
Những điểm khác biệt trong chiến lược quân sự mới được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tổng thống Mỹ B.Obama công bố Chiến lược quân sự mới của Mỹ hôm 5/1/2012 (Ảnh: Internet) |
Nhiều ý kiến trái ngược trong dư luận Mỹ
Sau khi CLQS mới của Mỹ được công bố, trong giới lãnh đạo Mỹ đã nảy sinh nhiều ý kiến trái ngược nhau. Họ thừa nhận ngân sách quân sự nhỏ hơn và một đạo quân đã thu hẹp quy mô có thể mang tới một số rủi ro, nhưng trong một thế giới luôn biến động, quân đội Mỹ cũng cần thay đổi để thích nghi.
Tướng Lục quân Martin Dempsey tỏ ra lạc quan khi khẳng định "chiến lược chung của chúng ta là khả năng phản ứng với các sự kiện bất ngờ xảy ra trên toàn cầu, ở bất cứ nơi nào và khi nào nó xảy ra. Điều này không hề thay đổi".
Trong khi một số lãnh đạo Đảng Dân chủ tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào tính đúng đắn và hiệu quả của CLQS mới thì một số đại diện Đảng Cộng hòa lại có phản ứng tiêu cực.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ nhận xét: “bước lùi khỏi thế giới dưới chiêu bài một chiến lược mới”, không tính tới những mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt, chỉ quan tâm tới mỗi vấn đề giảm ngân sách.
Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Frank Gaffney cho rằng, chiến lược mới có rất nhiều vấn đề. Sách lược và ngân sách là hai yếu tố khiến cho Mỹ không có khả năng đối phó cùng lúc với nhiều cuộc tranh chấp xảy ra đồng thời.
Nghị sĩ Randy Forbes thuộc phe Cộng hòa chỉ trích khi nói rằng, chiến lược mới nếu chỉ tạo ra để tiện cho việc cắt giảm ngân sách là hoàn toàn không phù hợp với các thách thức Mỹ đang phải đối mặt. "Với tôi, đây không phải là chiến lược của một siêu cường. Đây giống như một thực đơn tầm thường thì đúng hơn".
Nâng cao vị thế trong khu vực
Ngay sau khi Mỹ chính thức công bố CLQS mới, các đồng minh thân cận của Mỹ là NATO, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đã hoan nghênh chiến lược này.
Đại sứ Australia tại Washington Kim Beazley hoanh nghênh CLQS mới của Mỹ và cho đây là “cơ hội tốt không thể bỏ lỡ để nâng cao vị thế và vai trò của mình trong khu vực”.
Tiến sĩ Rod Lyon, Giám đốc Chương trình Quốc tế và Chiến lược thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định, mặc dù tái định hướng chiến lược của mình theo hướng tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương nhưng Mỹ cũng mong muốn các đối tác, trong đó có Australia tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung, trên nhiều lĩnh vực, không chỉ không gian quân sự truyền thống mà còn cả không gian ảo và không gian vũ trụ.
Tổng Thư ký NATO Rasmussen đã tỏ thái độ hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh, chiến lược của Mỹ vẫn tăng cường đầu tư cho NATO khi cho rằng, trong diễn biến tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, quan hệ đồng minh chiến lược thúc đẩy an ninh là yếu tố quan trọng không thể thiếu.
Tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ichikawa Yasuo thận trọng khẳng định, Nhật Bản hoan nghênh lập trường của Mỹ trong việc đặt trọng tâm lớn hơn vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thảo luận các chính sách cụ thể với Mỹ.
Theo tờ Telegraph của Anh, đây là một trong những thay đổi chiến lược quan trọng nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Việc Mỹ chuyển trọng tâm từ châu Âu sang Châu Á-Thái Bình Dương được xem là động thái nhằm cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Lim Kwan Bin nói: “Chúng tôi ủng hộ bản chiến lược mới của Mỹ. Bản chiến lược đã công nhận Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ đóng vài trò cốt lõi trong vấn đề an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy sự hợp tác an ninh giữa các nước”.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin, Seoul cũng đang tỏ ra lo ngại trước những cắt giảm lớn về quốc phòng của Washington. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, việc quân đội Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc sẽ có ít quân tiếp viện của Mỹ và sẽ mất nhiều thời gian hơn để lực lượng của Mỹ có thể tới được Hàn Quốc.
“Mỹ nên đóng vai trò người xây dựng ở châu Á”
Thời báo “Hoàn Cầu”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 6/1/2012 đã cho đăng một bài xã luận chi tiết về CLQS mới của Mỹ, trong đó nhận định, Mỹ đang nhằm vào Trung Quốc, song Trung Quốc cần phải bình tĩnh và tiếp tục đường lối phát triển trong thập kỷ tới.
Chiến lược của Mỹ chỉ khiến Trung Quốc thêm cảnh giác và “Trung Quốc không nhất thiết phải đưa ra chiến lược đối phó mới” mà tập trung củng cố khả năng tấn công quân sự tầm xa.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu chịu lùi bước, nhân nhượng với Mỹ. “Tất nhiên, chúng tôi muốn ngăn chặn một cuộc “Chiến tranh lạnh” với Mỹ, nhưng chúng tôi cũng không từ bỏ sự hiện diện an ninh ở khu vực lân cận”.
“Trung Quốc sẽ không để yên nếu Mỹ độc chiếm châu lục này” - Nhật báo Nam Phương khẳng định và cáo buộc Mỹ đang muốn giật dây các nước châu Á để chống lại Trung Quốc.
Nhân Dân Nhật báo đưa tin Chính phủ Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Washington can thiệp vào tranh chấp trên biển Đông. Các báo Trung Quốc cũng cho rằng kế hoạch cắt giảm gần 500 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng 10 năm tới sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn không nhỏ, và Mỹ khó lòng trở thành bá chủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nếu tiếp tục đối đầu với Trung Quốc.
Tân Hoa xã cho biết, động thái tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực có thể là một sự khích lệ được chào đón nếu như nó thúc đẩy ổn định và thịnh vượng, song bất kỳ động thái chủ nghĩa quân phiệt nào của Mỹ cũng sẽ tạo ra tương lai xấu và “gây nguy hiểm cho hòa bình”. Do vậy, khi tăng cường sự hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần phải kiềm chế “xưng hùng xưng bá”, bởi điều này sẽ không giúp giải quyết những tranh chấp trong khu vực.
Thông tấn xã Trung Quốc cũng bình luận, trong thập kỷ qua, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, làm thiệt hại lực lượng lớn binh sĩ và tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD. "Hai cuộc chiến đã trở thành gánh nặng với Mỹ và Mỹ nên ghi nhớ những kinh nghiệm trong quá khứ, lịch sử dạy chúng ta rằng sự can thiệp quân sự của một nước không thể mở ra hòa bình lâu dài và thịnh vượng cho nước khác. Mỹ nên đóng vai trò một người xây dựng ở châu Á, thay vì sử dụng chủ nghĩa quân phiệt".
Giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị và quân sự Nga Saravin nhận định, ngay cả sau khi cắt giảm, quân đội Mỹ vẫn là lực lượng được trang bị tốt nhất, có hiệu quả cao nhất thế giới. Washington chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới, kể cả đối thủ tiềm tàng Trung Quốc. Ở một góc độ khác, nhiều người Mỹ đã mệt mỏi với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan nên có khuynh hướng ủng hộ chiến lược cắt giảm của ông Obama./.