Chiến sự leo thang nguy hiểm tại Sudan
VOV.VN - Giao tranh ác liệt được ghi nhận ở cả 3 khu vực thuộc thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận ở Sudan
Ngày 18/7, chiến sự tại Sudan tiếp tục diễn ra ác liệt giữa quân đội quốc gia và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) ở khu vực thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận. Đáng chú ý, cuộc xung đột đã lan rộng tới bang Nam Kurdufan, gây ra mối quan ngại sâu sắc trong dư luận quốc tế.
Giao tranh ác liệt được ghi nhận ở cả 3 khu vực thuộc thủ đô Khartoum. Trong đó, quân đội Sudan triển khai máy bay chiến đấu tấn công các vị trí của Lực lượng Hỗ trợ nhanh.
Còn tại bang Omdurman, các cuộc pháo kích ác liệt qua lại giữa hai bên nổ ra ở cả khu vực trung tâm và phía Nam bang, tạo nên nhiều đám cháy lớn cùng nhiều cột khói khổng lồ. Theo một số nguồn tin khu vực, xe tăng, pháo và xe thiết giáp đã được huy động cho các cuộc giao tranh, song chưa rõ số thương vong.
Đáng lo ngại hơn, giao tranh ác liệt đã nổ ra tại bang Nam Kurdufan giữa quân đội Sudan và lực lượng mang tên Phong trào Nhân dân giải phóng Sudan.
Theo các nhà phân tích khu vực, việc bùng phát giao tranh tại bang này chịu tác động trực tiếp từ cuộc xung đột đang diễn ra ở khu vực thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh.
Phái bộ Liên Hợp Quốc về hỗ trợ quá trình chuyển giao tại Sudan cảnh báo đây là bước leo thang nguy hiểm và đáng lo ngại, kêu gọi hai bên đối địch lập tức chấm dứt giao tranh để khôi phục ổn định, không để xung đột leo thang và mở rộng. Phái bộ cũng kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế về vấn đề nhân đạo và đảm bảo tính mạng dân thường.
Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc dẫn số liệu từ các cơ quan liên quan cho biết, số người tỵ nạn nội địa do cuộc xung đột tại Sudan gây ra đã lên tới 2,6 triệu người. Trong khi đó, số người tỵ nạn chạy ra khỏi lãnh thổ Sudan đã lên tới con số 730 nghìn người, tạo áp lực rất lớn lên các quốc gia láng giềng.
Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, dành thêm nguồn lực để đảm bảo cuộc sống và giảm bớt khổ đau cho những người tỵ nạn Sudan phải rời bỏ đất nước.