Chính phủ Hungary phản đối EU bất chấp kết quả trưng cầu ý dân
VOV.VN - Dù cuộc trưng cầu ý dân không có hiệu lực nhưng Thủ tướng Hungary tiếp tục phản kháng mạnh mẽ việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của EU.
Cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 đã đưa lại một kết quả bất ngờ hay theo báo chí châu Âu là một “chiến thắng nửa vời” cho Thủ tướng Hungary khi tỷ lệ bỏ phiếu chống việc tiếp nhận người nhập cư cao tới gần tuyệt đối; nhưng số cử tri đi bầu lại không quá bán khiến cuộc trưng cầu không có hiệu lực.
Cử tri Hungary đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 2/10. (Ảnh: Reuters)
Bất chấp điều đó, phe của Thủ tướng Orban vẫn tuyên bố chiến thắng và tiếp tục phản kháng mạnh mẽ việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của EU.
Báo chí châu Âu liên tục đưa tin kết quả cuộc trưng cầu là một thất bại làm suy yếu Chính phủ cánh hữu cứng rắn của Thủ tướng Orban, bất chấp việc ông này vẫn tuyên bố chiến thắng.
Với con số 98.3% cử tri đi bỏ phiếu phản đối việc nhận người nhập cư theo phân bổ của EU, cuộc trưng cầu lẽ ra có thể là chiến thắng vang dội của Chính phủ Hungary nhưng chỉ có 39.9% số cử tri đi bỏ phiếu; và vì thế, cuộc trưng cầu – hay được coi là ván bài lớn do Thủ tướng Orban khởi xướng – đã mất đi tính hiệu lực.
Bản thân câu hỏi được Chính phủ Hungary đưa ra trưng cầu cũng đặt cử tri vào tình huống khó có thể nói “đồng ý”, bởi theo đó, Chính phủ Hungary hỏi người dân có chấp nhận đón tiếp những người nhập cư không phải người gốc Hungary do EU yêu cầu mà không thông qua sự xem xét của Quốc hội nước này hay không?
Tỷ lệ cử tri không tham gia bỏ phiếu cho thấy thái độ thờ ơ của người dân Hungary, bất chấp chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của Chính phủ phản đối người nhập cư. Và bản thân kết quả cuộc trưng cầu này cũng được xem là không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý theo luật của Hungary, kể cả khi nó có hiệu lực.
Tuy nhiên, Chính phủ Hungary tiếp tục lập luận rằng con số cử tri đi bầu lần này (3,23 triệu người) còn cao hơn hồi năm 2003, khi chỉ có 3,05 triệu đi bỏ phiếu về việc gia nhập EU.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Hungary khẳng định sẽ tiếp tục phản đối EU bằng cách đề xuất sửa đổi Hiến pháp để khẳng định quyền lực của Quốc hội Hungary đối với các thỏa thuận của châu Âu liên quan đến vấn đề người nhập cư.
Ông Orban tiếp tục khẳng định Hungary tự hào là nước đầu tiên ở châu Âu tiến hành trưng cầu ý dân trong vấn đề này và Hungary quyết định chỉ có những người dân quốc gia này mới được quyền chọn ai để tiếp nhận trên lãnh thổ nước mình.
Trên chính trường trong nước, Đảng cực hữu Jobbik đã lên tiếng yêu cầu ông Victor Orban từ chức sau thất bại của cuộc trưng cầu ý dân. Phe đối lập lên án Chính phủ dành ngân sách tới 15 tỷ forints (khoảng 48,7 triệu euro) cho việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Theo phe đối lập, tính bình quân chi phí theo đầu người là 1515 forints, gấp 7 lần so với chi phí mà một người Anh phải trả cho cuộc trưng cầu Brexit.
Được biết, hơn 5 % số cử tri đi bầu đã bỏ phiếu trắng theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức phi chính phủ để phản đối chiến dịch thúc đẩy lòng thù hận và sự sợ hãi mà Chính phủ Hungary tiến hành.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh cuộc trưng cầu sẽ không có bất kỳ tác động pháp lý nào đối với những cam kết mà Hungary cũng đã ký.
Theo phân bổ của EU, Hungary chỉ phải tiếp nhận 1.294 người tị nạn trong tổng số 160.000 người tị nạn chính trị được EU chấp nhận. Con số không nhiều này cùng với chiến dịch rầm rộ bị chỉ trích là “thái quá” của Chính phủ Hungary khiến nhiều nước thành viên châu Âu tức giận, tới mức Luxembourg kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Hungary, hay Thụy Điển triệu hồi Đại sứ Hungary để bày tỏ sự phản đối.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu gọi cuộc trưng cầu ý dân mà Chính phủ Hungary đề xuất là “một trò chơi nguy hiểm”, có thể làm lung lay một EU vốn đã bị suy yếu bởi một loạt các cú sốc từ khủng hoảng người tị nạn đến Brexit./.