Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đóng cửa thêm lần nữa
VOV.VN - Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa lần nữa đã được đảo ngược sau cuộc đàm phán kín xuyên đêm giữa các nhà đàm phán 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Theo thông tin mới nhất, các nhà đàm phán 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được một thỏa thuận về mặt nguyên tắc nhằm tránh nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa thêm lần nữa.
Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa lần nữa đã được đảo ngược sau cuộc đàm phán kín xuyên đêm giữa các nhà đàm phán 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ảnh: Yahoo Finance
Phát biểu trước báo giới cuối ngày 11/2 (theo giờ Mỹ, tức sáng nay theo giờ Việt Nam), thượng nghị sĩ Richard Shelby – một trong số các thành viên tham gia đàm phán của đảng Cộng hòa cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc liên quan đến hoạt động cấp ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới. Tuy nhiên, ông Shelby không cho biết rõ chi tiết, chỉ nói rằng, các thành viên đàm phán vẫn đang trong quá trình hoàn tất chi tiết thỏa thuận.
Tuyên bố “nóng hổi” của thượng nghị sĩ Shelby đã góp phần giải quyết quan ngại của dư luận về nguy cơ Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đóng cửa lần 2 trong bối cảnh thỏa thuận mở cửa Chính phủ Mỹ tạm thời đạt được cuối tháng 1 vừa qua, chuẩn bị hết hạn vào ngày 15/2 tới.
Bất đồng giữa các nhà đàm phán liên quan đến việc bắt giữ những người di cư không có giấy phép và việc cấp ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cuộc đàm phán nhiều lúc tưởng như rơi vào bế tắc.
Theo một số nguồn tin, bế tắc trong đàm phán dường như tập trung vào yêu cầu của đảng Dân chủ, giới hạn số người di cư không có giấy phép hiện đang bị Lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới (ICE) bắt giữ. Đảng Dân chủ muốn giới hạn số người bị bắt giữ chỉ ở con số 16.500 người nhằm buộc Lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới tập trung bắt giữ những người di cư có tiền án hình sự thay vì bắt giữ những người đã hết hạn thị thực.
Theo quan điểm của đảng Dân chủ, điều này sẽ có lợi và mang lại an toàn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của không ít thành viên đảng Cộng hòa và bản thân phó Giám đốc Lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Matt Albence, đề xuất của đảng Dân chủ sẽ gây hại cho sự an toàn của nước Mỹ.
Bế tắc trong đàm phán đã khiến Tổng thống Mỹ đã phải thốt lên rằng, đàm phán thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào quyết định của đảng Dân chủ hoặc họ phải chấp nhận thỏa thuận hoặc họ phải đối mặt với sự chỉ trích trước việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Tổng thống Trump nói: “Chúng ta có công nghệ. Chúng ta cũng có những máy bay không người lái hoạt động tốt. Tuy nhiên, công nghệ sẽ không phát huy tác dụng nếu không có bức tường biên giới. Chúng ta cần bức tường. Tuy nhiên, giờ đảng Dân chủ không muốn chi tiền cho chúng ta xây dựng bức tường. Họ không muốn cho chúng ta không gian để bắt giữ tội phạm, những kẻ buôn lậu ma túy, buôn bán, vận chuyển người bất hợp pháp. Thật là khủng khiếp. Buôn bán người bất hợp pháp giống như hoạt động thời trung cổ. Giờ có quá nhiều kẻ buôn người hơn trước đây. Những kẻ vận chuyển người có thể liên hệ với những kẻ buôn bán người bất cứ lúc nào thông qua mạng Internet”.
Theo kế hoạch ban đầu, các nhà đàm phán 2 đảng phải thông qua được dự luật trước khi thỏa thuận cấp ngân sách liên bang hết hạn. Trong trường hợp, các bên không đạt được một thỏa thuận mới để cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua và trình Tổng thống ký phê duyệt, một phần Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải đóng cửa trong ngày 16/2 tới.
Đợt đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ kéo dài 35 ngày qua và chỉ kết thúc vào ngày 25/1 vừa qua sau khi các nhà đàm phán hai đảng đạt được thỏa thuận tạm thời chấm dứt tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa. Đây được xem là đợt đóng cửa Chính phủ dài nhất trong lịch sử nước Mỹ khiến 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương trong 3 tuần. Thiệt hại kinh tế do tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa lên đến 11 tỷ USD./.
Lãnh đạo Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận nhằm tránh cho chính phủ đóng cửa