Chính phủ Slovenia sụp đổ

(VOV) - Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Jansa bị cáo buộc thường xuyên vi phạm tham nhũng.

Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, ngày 27/2, đã sụp đổ do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nước này. Sứ mệnh thành lập chính phủ mới được trao cho chuyên gia tài chính Alenka Bratusek, người phụ nữ đầu tiên được chỉ định giữ chức Thủ tướng ở nước cộng hòa này.

Bà Alenka Bratusek phát biểu trước Quốc hội Slovenia ngày 27/2 (Ảnh: AP)

Ông Jansa trở thành Thủ tướng Slovenia tháng 2/2012 sau khi người tiền nhiệm Borut Pahor thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Slovenia phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 12/2011. Trong một năm cầm quyền, ông Jansa đã thực hiện nhiều cải cách về cơ cấu và chính sách “thắt lưng buộc bụng”, yếu tố sống còn để đưa kinh tế quốc gia trở lại đà tăng trưởng.

Tuy nhiên tháng 1 vừa qua, Ủy ban Chống tham nhũng Nhà nước khẳng định ông Jansa thường xuyên vi phạm Luật chống tham nhũng và che giấu khoản thu nhập hơn 200.000 euro, tương đương 266.000 USD. Kết luận này đã dẫn đến việc 3 đảng rút khỏi liên minh cầm quyền (gồm 5 đảng) và chính phủ trở thành thiểu số khi chỉ chiếm 1/3 số ghế trong Quốc hội; đồng thời thổi bùng làn sóng biểu tình trên cả nước giữa những người vốn đã chán ngấy các biện pháp khắc khổ và vấn nạn hối lộ.

Trong cuộc bỏ phiếu mới đây, 55 nghị sĩ trong Quốc hội 90 thành viên đồng ý giải tán nội các do ông Jansa đứng đầu. Các cuộc thăm dò hồi đầu tuần cũng cho thấy chỉ 22% số người được hỏi ủng hộ, trong khi 77% phản đối ông Jansa. Vì vậy, sự sụp đổ của chính phủ Jansa là điều đã được dự đoán.

Bà Bratusek năm nay 42 tuổi, là thành viên đảng đối lập lớn nhất Slovenia Tích cực (Positive Slovenia) và trúng cử Quốc hội năm 2012 sau gần 10 năm làm ủy viên hội đồng địa phương. Trong cương lĩnh hành động đọc trước Quốc hội, bà Bratusek cam kết thúc đẩy kinh tế, ổn định khu vực tài chính.

Bà Bratusek nói: “Củng cố hoạt động tài chính công sẽ là một trong số các ưu tiên mà chúng tôi sẽ thảo luận với các đảng chính trị liên minh. Hy vọng là chúng ta có thể tìm được cách giải quyết vấn đề mà không phải tăng thuế. Có rất nhiều phần việc khó khăn ở trước mắt song tôi tin là tình hình tại  Slovenia sẽ được cải thiện”.

Bà Bratusek sẽ có hai tuần để thành lập Nội các mới trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào cuối tháng 3 tới. Nếu thất bại, bà Bratusek có thể sẽ phải kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Slovenia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004 và Khu vực đồng Euro năm 2007. Quốc gia nhỏ bé này từng được coi là “mô hình thành viên mới trong Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu” với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Slovenia, khiến nợ nhà nước tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2011, để lại cho chính phủ mới “di sản” là một hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu và có thể cần trợ giúp tài chính từ bên ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Slovenia cần ở lại Eurozone bằng bất cứ giá nào
Slovenia cần ở lại Eurozone bằng bất cứ giá nào

Thủ tướng Slovenia Borut Pahor ngày 5/11 cho biết, nước này sẽ cùng với Đức để tiếp tục là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Slovenia cần ở lại Eurozone bằng bất cứ giá nào

Slovenia cần ở lại Eurozone bằng bất cứ giá nào

Thủ tướng Slovenia Borut Pahor ngày 5/11 cho biết, nước này sẽ cùng với Đức để tiếp tục là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Slovenia giải tán Quốc hội
Slovenia giải tán Quốc hội

Ngày 21/10, Tổng thống Slovenia Danilo Tuerk ký lệnh giải tán Quốc hội và ấn định ngày Tổng tuyển cử trước thời hạn vào 4/12 tới.

Slovenia giải tán Quốc hội

Slovenia giải tán Quốc hội

Ngày 21/10, Tổng thống Slovenia Danilo Tuerk ký lệnh giải tán Quốc hội và ấn định ngày Tổng tuyển cử trước thời hạn vào 4/12 tới.