Chính quyền mới tại Afghanistan “chìa cành ô liu” cho Taliban
VOV.VN - Những lời đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Ashraf Ghani đã dành cho Taliban khi ra lời kêu gọi đối thoại với nhóm phiến quân này.
Ngay sau buổi lễ nhậm chức, ngày 29/9, Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bắt tay vào những công việc lớn của quốc gia, đặc biệt trong đó là nỗ lực khôi phục an ninh đất nước, sau nhiều năm chìm trong chiến tranh và xung đột.
Một trong những điểm được dư luận đặc biệt chú ý là việc chính quyền mới “chìa cành ô liu” với Taliban, trong bối cảnh nhóm nổi dậy này đang ngày càng gia tăng hoạt động và hiện đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở một số tỉnh của nước này.
Người dân Afghanistan vừa trải qua thời khắc lịch sử. 35 năm sau cuộc nội chiến, quốc gia Nam Á này đã chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên.
Việc ông Ashraf Ghani trở thành Tổng thống mới của Afghanistan, kết thúc 10 năm cầm quyền của người tiền nhiệm Hamid Karzai được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho một Afghanistan, đã quá mệt mỏi bởi chiến tranh.
Những lời đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Ashraf Ghani đã dành cho Taliban khi ra lời kêu gọi đối thoại với nhóm phiến quân này. Theo ông, người dân Afghanistan đã quá mệt mỏi với chiến tranh, muốn sống trong hòa bình và an ninh.
Ông Ghani nói: "Chúng ta đã quá mệt mỏi bởi chiến tranh. Thông điệp của tôi trên cương vị Tổng thông là thông điệp về hòa bình và điều này không có nghĩa là chính quyền hiện nay bị suy yếu. Tôi kêu gọi các phe phái đối địch với chính phủ, đặc biệt là nhóm nổi dậy Taliban đồng ý tham gia các cuộc đàm phán chính trị”.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu mà ông Ghani đặt ra cho nhiệm kỳ Tổng thống của mình dường như là rất khó khăn khi Taliban đã ngay lập tức đưa ra câu trả lời bằng vụ đánh bom liều chết cùng ngày tại thủ đô Kabul.
Theo các nhà phân tích, để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình, ông Ashraf Ghani phải vượt qua được 3 rào cản lớn. Thứ nhất chính là Taliban. Nhiều nhà quan sát cho rằng, ngay chính trong nội bộ Taliban cũng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề đàm phán.
Một số sẵn sàng đàm phán, trong khi một số khác lại muốn tiếp tục chiến đấu. Song có một điều chắc chắn là nhóm phiến quân này không thừa nhận chính phủ tại Afghanistan. Taliban cho rằng, ông Ashraf Ghani là một “con rối” của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục cuộc thánh chiến cho đến khi quét sạch “những kẻ xâm lược” và thiết lập được một chính phủ Hồi giáo thực sự.
Trên thực tế, từ năm 2008, Taliban đã tham gia nhiều vòng đàm phán, song tất cả cuối cùng đều đổ vỡ. Cuối năm 2011, Mỹ, với sự hỗ trợ của Đức và Qatar đã mở một kệnh đối thoại được xem là đầy hứa hẹn, dẫn đến việc thành lập một văn phòng đại diện Taliban tại Doha hồi tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị Tổng thống khi đó là ông Hamid Karzai bác bỏ và Taliban cũng từ chối tiếp tục các cuộc đàm phán. Vài tháng sau đó, ông Hamid Karzai đã mở một kênh đàm phán khác, song nó cũng không kéo dài lâu cho tới khi thông tin về các cuộc đàm phán bị rò rỉ trên báo chí.
Rào cản thứ 2 lại đến từ chính vấn đề nội bộ của Afghanistan. Taliban sẽ khó có thể chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi nhiều chính trị gia ủng hộ ông Ashraf Ghani hay ông Abdullah Abdullah sau vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống đều là những lãnh chúa mà Taliban từng tìm cách loại bỏ trong những năm 1990.
Hơn nữa, những căng thẳng hậu bầu cử tại Afghanistan dù đã được giải quyết bằng một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, song vẫn có nguy cơ tái bùng phát. Và điều này có thể tạo cơ hội cho sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa của Taliban.
Khó khăn cuối cùng là việc ông Ashraf Ghani cam kết ký thỏa thuận an ninh với Mỹ, theo đó khoảng 10.000 binh sĩ NATO sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm nay và cho phép quân đội Mỹ duy trì các căn cứ quân sự.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan, thảo thuận dự kiến sẽ được ký ngày 30/9. Tuy nhiên đây lại bị coi là rào cản đối với tiến trình hòa bình tại Afghanistan khi Taliban lây nay vẫn yêu cầu quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Afghanistan và coi đây là điều kiện để đàm phán về bất kỳ thỏa thuận nào.
Có thể thấy, với một Afghanistan, vốn đã kiệt quệ sau các cuộc chiến tranh và đang lún sâu hơn vào những khó khăn kinh tế, an ninh và chính trị, tân Tổng thống sẽ rất khó khăn để thực hiện các kế hoạch lớn của mình.
Ông Ashraf Ghani đang thế khó khi vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ của nước ngoài, trong khi lại vẫn phải tìm cách ổn định những tâm lý chống lại sự can dự của nước ngoài.
Song có một điều chắc chắn rằng, để giải quyết thế lưỡng nan này, nhiệm vụ đầu tiên mà vị tân tổng thống và chính phủ mới của Afghanistan phải giải quyết, đó chính là những mâu thuẫn nội bộ trên chính trường Afghanistan.
Bởi chỉ có như thế, Afghanistan mới có thể tạo ra một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến chống Taliban hay những tư tưởng cực đoan của nhóm nổi dậy này./.