Chính quyền Mỹ thời Donald Trump không hề quên Biển Đông
VOV.VN-Tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phần nào xoa dịu quan ngại rằng Mỹ đang thờ ơ với tranh chấp tại Biển Đông.
Đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á từng cảm thấy bất an khi báo chí Mỹ đầu tháng 5 cho biết mấy tháng đầu của nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump từng 3 lần từ chối các yêu cầu tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Ảnh chụp công trình xây đường băng phi pháp của Trung Quốc trên đảo nhân tạo ở Đá Vành Khăn ngày 8/9/2015 – Ảnh: CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe |
Đây được coi là một sự “thụt lùi” trong chính sách của Mỹ đối với khu vực có vai trò chiến lược này. Dư luận càng có cơ sở khi mà những hoạt động ngoại giao và quân sự được Mỹ triển khai dày đặc nhằm giải quyết “điểm nóng” Triều Tiên. Trong đó, có cả những động thái được hiểu là “nhượng bộ” để Trung Quốc giúp đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Quan ngại đã được dỡ bỏ phần nào với bài phát biểu trực diện của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore.
“Quy mô và tác động của các hoạt động xây cất của Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông khác với các quốc gia khác trên các tiêu chí quan trọng. Nó thực chất là việc quân sự hóa, Trung Quốc đã không tôn trọng luật pháp quốc tế, coi thường lợi ích của các quốc gia khác, và phớt lờ các giải pháp không đối đầu cho vấn đê” - Ông James Mattis nói tại Diễn đàn an ninh quan trọng này.
Đây được coi là phát ngôn đầu tiên của chính quyền Mỹ nhắm trực tiếp vào các hành động xây cất và quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Chúng tôi phản đối các nước đang quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi các tuyên bố hàng hải quá đáng không được luật quốc tế thừa nhận. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi nguyên trạng mang tính đơn phương và ép buộc.” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thẳng thắn tuyên bố.
Phát biểu này lập tức khiến Trung Quốc tức giận. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cuối ngày 4/6 gọi những lời chỉ trích của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là “phát biểu vô trách nhiệm”. Trung Quốc tiếp tục giải thích rằng các công trình xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm “cải thiện điều kiện sống của người dân tại đây, duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc”.
Thực tế, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề “quên” việc duy trì vai trò tại khu vực Biển Đông.
Thế giới 7 ngày: Biển Đông “nóng” từ tuyên bố đến thực địa
Việc các yêu cầu tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông không được thông qua kể từ đầu năm là do chính quyền Mỹ muốn có thêm thời gian để đánh giá tình hình. Giới quan sát cho rằng người đã từ chối đề xuất này có thể là Bộ trưởng James Mattis, Tổng tham mưu trưởng Joseph Dunford hay cấp phó của hai quan chức này.
Các nguồn tin này nói ông Mattis và ban lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn đánh giá kỹ lưỡng tác động chiến lược của những cuộc tuần tra này với chính sách an ninh quốc gia tổng thể. Bộ trưởng Mattis không hẳn là phản đối tuần tra tự do hàng hải, nhưng ông đang xem xét lại các động thái quân sự của Mỹ trên toàn thế giới.
Và tới thời điểm này, chính quyền Mỹ, mà cụ thể là giới chức quốc phòng đã có đủ dữ liệu để đưa ra quyết định.
Cuối tháng 5, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2016, và cũng là lần đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, một tàu của hải quân Mỹ đã thực thi vai trò của mình. Tàu khu trục USS Dewey đã tuần tra xung quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
Đá Vành Khăn là một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã xây ba đường băng cấp quân sự trên các đảo nhân tạo này.
Các động thái chính trị cũng được triển khai mà mới nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế.
Trong bản tuyên bố chung Việt – Mỹ hồi tuần trước, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Mỹ cũng duy trì các cam kết với các đối tác và đồng minh tại khu vực châu Á Thái Bình Dương bằng việc chuyển giao các tàu tuần tra cho Việt Nam và Phillipines thời gian qua.
Mỹ sẽ có thể làm gì?
Giới quan sát quốc tế đang đưa ra nhiều phỏng đoán về những động thái mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện nhằm thực thi các cam kết về giữ gìn trật tự tại khu vực.
“Tổng thống Trump có thể chuyển những quan ngại về kế hoạch của Trung Quốc đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Máy bay và tàu chiến của Mỹ có thể thực thi các hoạt động tuần tra trong khu vực giống như dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama” - Ross Babbage nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá ngân sách tại Washington nói.
Lựa chọn này dường như không đe dọa sự hợp tác của Bắc Kinh trong các lĩnh vực khác mà Mỹ đang cần sự trợ giúp của Trung Quốc, ví dụ như vấn đề Triều Tiên. Một khả năng chính sách nữa là Mỹ xây dựng một chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc.
Theo Babbage, cách làm này đòi hỏi một cách tiếp cận dài hạn cả về ngoại giao, kinh tế, địa chiến lực, pháp lý và quân sự. Chiến lược này cần được thiết kế từng bước nhằm thách thức sự quyết đoán của Trung Quốc, khuyến khích các hành động có trách nhiệm và bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Mỹ và các đối tác tại đây./. Thủ tướng Australia cảnh báo Trung Quốc không “bắt nạt” ở Biển Đông