Chính sách Châu Phi, Trung Đông của Mỹ năm 2023
VOV.VN - Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ diễn ra từ ngày 29/01 tới 31/01 và trong thời gian này, ông Blinken sẽ tham vấn với các đối tác về một loạt các ưu tiên khu vực và toàn cầu.
Những vấn đề này bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, tình hình Iran, quan hệ giữa Israel và Palestine cũng như giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và vấn đề bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ.
Tại Ai Cập, Ngoại trưởng Blinken sẽ cùng các quan chức cấp cao nước này thảo luận cách thức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực. Trong khi đó, tại Israel, Ngoại trưởng Blinken sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với an ninh của Israel, đặc biệt là trước các mối đe dọa từ Iran, sự hội nhập của Israel trong khu vực, quan hệ Israel-Palestine và tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước.
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Israel và Palestine, Ngoại trưởng Blinken sẽ kêu gọi hai bên có các bước cụ thể nhằm xuống thang căng thẳng để chấm dứt bạo lực. Ông Blinken cũng sẽ thảo luận tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng lịch sử của Núi Đền hay còn được người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif ở Jerusalem thông qua văn bản và hành động. Đó là những nội dung chính của chuyến công du tới Ai Cập, Israel và khu bờ Tây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Chính sách của Mỹ đối với Châu Phi và Trung Đông
Châu Phi là châu lục giàu tiềm năng luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trên thế giới. Đối với Mỹ, châu Phi có vị trí vô cùng quan trọng bởi Washington luôn có những chính sách nhằm gia tăng ảnh hưởng và lợi ích tại khu vực. Chính vì vậy, Mỹ hồi tháng 8/2022 đã công bố chính sách mới của nước này đối với lục địa đen, được đánh giá là nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc tại đây.
Chính sách mang tên “Chiến lược của Mỹ hướng tới châu Phi cận Sahara” dài 17 trang, trong đó phác thảo các ưu tiên chính của Mỹ đối với châu Phi bao gồm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, y tế, quản trị dân chủ; định hình các quy tắc của thế giới về các vấn đề quan trọng như thương mại, không gian mạng, công nghệ mới nổi; đương đầu với các nguy cơ khủng bố, xung đột, tội phạm xuyên quốc gia; phục hồi sau đại dịch Covid-19, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường. Chiến lược nêu rõ tầm nhìn mới của Mỹ về quan hệ đối tác Mỹ - châu Phi trong thế kỷ 21, trong đó ghi nhận các cơ hội to lớn, các nỗ lực vượt qua thách thức để thúc đẩy lợi ích chung.
Để cụ thể hóa chiến lược này, chính quyền Tổng thống Biden đã có một loạt các hoạt động như tổ chức thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, lần đầu tiên kể từ năm 2014 qua đó nhằm “thực sự làm nổi bật cách Mỹ và các đối tác châu Phi đang tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy các ưu tiên chung, đồng thời cho thấy sự phản ánh chiến lược của Mỹ đối với châu Phi cận Sahara và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi. Chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, chuyến công du 3 quốc gia châu Phi của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield và chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Antony Blinken đều là một phần của các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia tại lục địa lớn thứ hai thế giới.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh với Israel cũng như thúc đẩy vai trò trung gian đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông và duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa-chính trị chiến lược này. Chuyến thăm Trung Ðông-Bắc Phi của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra giữa lúc Nhà nước Do thái vừa đối mặt với những thách thức về an ninh, nhưng cũng đứng trước cơ hội mở rộng hòa bình và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông. Ngay từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ thúc đẩy vai trò trung gian nhằm nối lại đàm phán giữa Israel và Palesine sẽ đem lại hy vọng giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine, mở ra cơ hội có thể hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Ðông. Chuyến thăm Trung Ðông của Ngoại trưởng Blinken được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ củng cố mối quan hệ chiến lược với đồng minh Israel và Ai Cập, đối tác quan trọng của Washington ở khu vực. Ðây cũng là cơ hội để Mỹ khẳng định lại cam kết đối với giải pháp hai nhà nước và thúc đẩy đàm phán giữa Israel và Palestine, góp phần vào hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Ðông.
Chuyến công du này của Ngoại trưởng Blinken sẽ chưa có những thay đổi bước ngoặt hay đột phá trong giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine mà sẽ chỉ dừng lại ở chỗ tiếp tục kêu gọi hai bên xuống thang căng thẳng để đối thoại với ưu tiên là giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, nỗ lực này của Mỹ đang gặp khó khăn khi các cuộc tấn công bạo lực dẫn tới thương vong giữa Israel và Palestine vẫn liên tiếp diễn ra ở khu Bờ Tây và Jerusalem trong những ngày qua.
Bạo lực đang khiến nhiều lãnh đạo thế giới lo ngại rằng cuộc xung đột Israel-Palestine có thể bùng phát trở lại và căng thẳng giữa hai bên đang ở bên bờ vực leo thang nguy hiểm. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Antony Blinken chính là cùng cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế và đảm bảo bằng mọi giá phải ngăn vòng xoáy bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát của mỗi bên./.