Chính sách cho người tiêm và chưa tiêm vaccine: Câu chuyện về sự bảo vệ hay bất bình đẳng?
VOV.VN - Việc phân biệt rõ rệt quyền hạn của những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 và người chưa hoàn thành chủng ngừa ở một số quốc gia đang là chủ đề gây tranh cãi giữa sự bảo vệ và câu chuyện “phân biệt đối xử”.
Singapore hôm qua (10/8) chính thức áp dụng một số biện pháp phân biệt rõ rệt quyền hạn của những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 và người chưa hoàn thành chủng ngừa. Đây cũng là cách nhiều quốc gia áp dụng để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đằng sau các chính sách này, khi một số người khẳng định đây là biện pháp để bảo vệ chính nhóm người chưa tiêm vaccine, trong khi những người khác coi đó là câu chuyện về “phân biệt đối xử”.
Với 70% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 và 79% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, Singapore trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới. Điều này giúp quốc đảo này nới lỏng các hạn chế về giãn cách xã hội, đặc biệt đối với nhóm người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Bộ trưởng Tài chính Singaporere Lawrence Wong cho biết: “Những người đã tiêm vaccine đầy đủ có thể tham gia các nhóm từ 5 người trở lên. Chúng tôi cũng cho phép tổ chức sự kiện lớn đối với những người đã được tiêm vaccine đầy đủ. Đám cưới cũng được tổ chức với số lượng khoảng 250 người, đã được tiêm vaccine đầy đủ”.
Đây cũng là cách nhiều quốc gia đang áp dụng đối với nhóm người đã chủng ngừa đầy đủ, như một cách khuyến khích tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia, thôi thúc nhóm người còn do dự sớm đi tiêm vaccine.
Tuy nhiên, chính sách mới này cũng gây nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt đối với những người chưa thể tiêm vaccine do hoàn cảnh khách quan, trong đó có những nhóm thuộc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới nên trì hoãn tiêm vaccine.
Một công dân Singapore chia sẻ: “Hàng xóm của tôi chưa được tiêm vaccine vì bà ấy có vấn đề về sức khỏe. Bà cũng muốn tiêm vaccine, nhưng bác sĩ cho rằng cần phải có đánh giá đầy đủ trước khi tiêm vaccine, vì vậy nên chờ đợi”.
Việc tham gia các hoạt động cộng đồng bị hạn chế khiến không ít người cảm thấy bị “phân biệt đối xử”. Tuy nhiên, giới chức y tế nhiều nước khẳng định, những quy định này không phải là phân biệt đối xử, mà là cách để bảo vệ những người chưa tiêm khỏi căn bệnh nguy hiểm.
Trong khi đó vấn đề bất bình đẳng ở cấp độ toàn cầu sẽ rõ rệt hơn với hộ chiếu vaccine hay thẻ xanh nhằm chứng nhận những người đã tiêm phòng đầy đủ. Theo người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris, cơ quan này không ủng hộ việc yêu cầu hộ chiếu vaccine khi đi du lịch vào thời điểm hiện nay.
“Chúng tôi hiện không có đủ dữ liệu về việc liệu vaccine có ngăn ngừa được sự lây truyền hay không để nói rằng đây sẽ là một chiến lược hiệu quả. Vấn đề thứ hai là vấn đề về công bằng. Hiện nay, không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với vaccine và có những người không có khả năng chủng ngừa vì lý do này hay lý do khác. Chúng tôi vẫn đang chờ nguồn cung cấp đầy đủ để cung cấp vaccine cho tất cả các quốc gia cần chúng”.
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, tiêm vaccine hiện là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người dân trước những biến thể mới. Việc chưa hiểu hết về vaccine khiến nhiều người còn do dự đi chủng ngừa, nhưng cũng có những người có lý do “chính đáng” trong việc trì hoãn tiêm vaccine. Do đó, việc các quốc gia ban hành các chính sách nới lỏng cũng cần tính đến yếu tố này để đảm bảo những người chưa tiêm vaccine không có cảm giác bị “phân biệt đối xử”. Một số giải pháp đã được các quốc gia áp dụng như Singapore vẫn cho phép người chưa tiêm vaccine tham gia các hoạt động ngoài cộng đồng với yêu cầu có giấy xét nghiệm Covid-19./.