Chính sách của Indonesia dưới thời chính quyền mới từ góc nhìn các chuyên gia
VOV.VN - Không nằm ngoài dự đoán, cặp ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và người đồng hành Gibran Rakabuming Raka đã giành chiến thắng ngay trong vòng 1 với 58,6% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia hôm 14/2 vừa qua. Nhiều chuyên gia đã có những nhận định về khả năng các chính sách mới dưới thời chính quyền của ông Probowo.
Trong khi đạt được thành tích tốt trong cuộc đua Tổng thống, giành chiến thắng tại 36/38 tỉnh của đất nước, đảng Gerindra của ông Prabowo dường như có thành tích trầm lắng hơn trong cuộc đua lập pháp. Đảng Đấu tranh dân chủ Indonesia (PDI-P) giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2024. Các nhà quan sát nhận định, cuộc bầu cử Tổng thống được quyết định trong vòng 1 giúp giảm bớt mối lo ngại của nhà đầu tư về sự bất ổn chính trị trong quá trình chuyển giao quyền lực vào cuối tháng 10 tại Indonesia. Thay vào đó, trọng tâm sẽ chuyển sang vấn đề thành lập chính phủ mới do ông Prabowo lãnh đạo và thành phần Nội các, để đảm bảo nhận được sự ủng hộ trong Quốc hội.
Nhà phân tích chính trị Wasisto Raharjo Jati thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) cho rằng thông thường, khi người kế nhiệm nắm quyền sẽ bắt đầu chương trình nghị sự mới của riêng mình. Tuy nhiên trong 100 ngày đầu tiên, ưu tiên của chính quyền mới có thể là đảm bảo sự tiếp tục suôn sẻ trong nhiều chính sách của Tổng thống Jokowi, đồng thời thực hiện một số cam kết trong các chiến dịch tranh cử.
Trước hết về kinh tế, trong số các chính sách kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Jokowi, ông Prabowo có thể tiếp tục chính sách phát triển công nghiệp hạ nguồn (hilirisasi), phát triển vùng – một phần bao gồm việc xây dựng thủ đô mới Nusantara (Ibu Kota Negara, IKN) và dự án phát triển nhiều giai đoạn cho các vùng lân cận của thủ đô mới ở Đông Kalimantan, cũng như các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đang diễn ra. Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do Trung Quốc xây dựng dọc theo bờ biển phía nam Java đến Yogyakarta, và sau đó xa hơn về phía đông đến Surabaya. Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo và người đồng hành Gibran cũng đưa ra các chính sách kinh tế riêng, tập trung vào an ninh lương thực và năng lượng, đảm bảo khả năng tự cung tự cấp của Indonesia và chương trình hỗ trợ xã hội dưới hình thức sữa và bữa trưa miễn phí cho học sinh, trợ cấp nhiên liệu….
Về chính sách quốc phòng, chuyên gia quốc phòng Curie Maharani Savitri dự đoán chính quyền của ông Prabowo sẽ tiếp tục chính sách quốc phòng hiện hành của ông Jokowi. Khẳng định mong muốn làm bạn với các nước nhưng ông Prabowo cũng tuyên bố “sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự” cho thấy khả năng Indonesia cũng có thể chuyển hướng chính sách đối ngoại theo hướng tập trung vào an ninh hơn, không chỉ tăng chi tiêu cho quốc phòng mà còn định hình lại chính sách thương mại và kinh tế để phù hợp với quan niệm của ông Prabowo về an ninh quốc gia.
Về chính sách đối ngoại, ông Prabowo khẳng định chính sách độc lập không liên kết và đảm bảo cân bằng trong cạnh tranh Mỹ- Trung. Nhiều chuyên gia nhận định với mục tiêu đầy tham vọng của ông Prabowo là tăng trưởng GDP 7%, nếu có thể đạt được, sẽ đòi hỏi nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều này cho thấy mối quan hệ bền chặt tiếp tục với Trung Quốc - một nhà đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược. Nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh về quốc phòng, trong khi hướng về đầu tư và thị trường Trung Quốc cũng là một xu hướng chung có thể thấy ở nhiều nước Đông Nam Á. Ông Prabowo có thể tiếp tục tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, bằng cách thúc đẩy các cuộc tập trận chung toàn ASEAN lần đầu tiên như diễn ra vào năm ngoái, nhưng có thể tránh nhấn mạnh hoặc đề cập đến vai trò của Trung Quốc trong các tranh chấp.
Về vấn đề Biển Đông, trả lời với phóng viên Đài TNVN, ông Calvin Khoe – Giám đốc nghiên cứu và phân tích Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia ( FPCI) nhận định, thứ nhất, chính quyền mới có thể sẽ tiếp tục ủng hộ và cam kết đẩy nhanh đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) theo đúng thời hạn đã đưa ra. Thứ 2 trong các cuộc tranh luận trước thềm bầu cử, các ứng cử viên khác trong đó có ứng cử viên Ganjar Pranowo cũng đã đề cập ý tưởng về các thỏa thuận mới ở Biển Đông. Tính đến vấn đề chính trị của Indonesia, ông Calvin Khoe cho rằng chính quyền mới nên tính đến và xem xét các ý kiến từ các ứng viên, nhưng về cơ bản Indonesia sẽ vẫn thúc đẩy nguyên tắc hợp tác vì hòa bình và ổn định, phát triển thịnh vượng.
Trong khi đó đối với ASEAN, Chuyên gia Calvin Khoe nhấn mạnh ông Prabowo sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm tập trung vào ngoại giao kinh tế nhưng cũng sẽ tìm cách nâng cao vai trò của Indonesia trên trường toàn cầu. Tuy nhiên Indonesia cơ bản tiếp tục ủng hộ và cam kết với ASEAN cũng như đảm bảo vai trò và vị thế của Indonesia trong ASEAN vì an ninh, ổn định, lợi ích của Indonesia nằm trong cộng đồng ASEAN. Ông Prabowo hiểu rằng để có hòa bình và an ninh tại Indonesia thì các nước giềng cần phải có hòa bình. Do đó ASEAN vẫn nằm trong chính sách ưu tiên đối ngoại của Indonesia.
Chuyên gia này cũng nhận định, Tổng thống đắc cử Prabowo sẽ ưu tiên chính sách đối ngoại, đây có thể là một điểm khác biệt so với Tổng thống Jokowi, tập trung nhiều vào vấn đề phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Prabowo cũng cần một đội ngũ các nhà hoạch định chính sách đối ngoại mạnh và cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông sẽ được nhìn nhận từ góc độ thực tế.