Chính trường Hàn Quốc rối ren, sự chú ý dồn về Cơ quan An ninh Tổng thống
VOV.VN - Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) vẫn đang nỗ lực để bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol, khi thời hạn của lệnh bắt giữ sắp hết. Cơ quan An ninh Tổng thống đang là tâm điểm thu hút sự chú ý.
Giữa lúc chính trường Hàn Quốc “rối bời”, Ngoại trưởng Mỹ tới thăm quốc gia đồng minh này.
Sau cuộc đối đầu kéo dài 6 giờ đồng hồ giữa Văn phòng điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) và Cơ quan an ninh Tổng thống trong ngày 3/1, việc bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol đến nay “không đạt tiến triển”.
Hiện Văn phòng điều tra tham nhũng Hàn Quốc tiếp tục phối hợp với cảnh sát, xem xét khả năng thúc đẩy một hành động bắt giữ mới đối với Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol trong ngày hôm nay, song cũng thừa nhận việc thực hiện lệnh bắt gần như là không thể trong bối cảnh hiện nay.
Văn phòng điều tra cho biết, lần trước, số lượng người của Cơ quan An ninh Tổng thống và lực lượng vũ trang được triển khai nhiều hơn số nhân viên được điều đến để tiến hành lệnh bắt, đồng thời xe buýt và xe quân sự cũng đã được điều động để chặn đường.
Hôm qua, Cơ quan này đã yêu cầu quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok ra lệnh cho Cơ quan An ninh Tổng thống hợp tác và tuân thủ lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội. Trong khi đó, cảnh sát cũng đã yêu cầu người đứng đầu Cơ quan An ninh Tổng thống Park Chong Jun và cấp phó của ông ra hầu tòa để thẩm vấn vào ngày 7/1 tới.
Tuy nhiên, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok chưa đưa ra phản ứng đối với yêu cầu của Văn phòng Điều tra; trong khi Cơ quan An ninh Tổng thống tuyên bố lãnh đạo của cơ quan này sẽ “không rời vị trí”, dù chỉ một lúc, với lý do tình hình rất nghiêm trọng trong việc đảm bảo an ninh cho Tổng thống, bác bỏ yêu cầu từ phía cảnh sát.
Dư luận Hàn Quốc đang tranh cãi về vai trò của Cơ quan An ninh Tổng thống. Một số ý kiến cho rằng, chỉ có Tổng thống mới có thẩm quyền kiểm soát nên Cơ quan An ninh Tổng thống có thể đang lạm dụng quyền lực và trở thành một lực lượng riêng của Tổng thống. Trong khi đó, một số khác lại ủng hộ Cơ quan An ninh Tổng thống và cho rằng Văn phòng điều tra tham nhũng không có quyền hạn bắt giữ Tổng thống đương nhiệm.
Trong thời tiết mưa tuyết lạnh, dòng người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn đang tuần hành gần Dinh thư của ông: “Tôi ở đây trước dinh thự của Tổng thống Yoon Suk Yeol, để cứu đất nước chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng. Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao (CIO) đang cố gắng bắt giữ Tổng thống theo cách bất hợp pháp. Vì vậy, tôi đến đây hôm nay để ngăn chặn điều đó.”
“Tình hình không phải nằm trong tay Tòa án Hiến pháp sao? Khi Tòa án Hiến pháp hoàn tất việc đưa ra quyết định, Tổng thống đương nhiệm sẽ được phục chức hay phế truất, ông ấy sẽ phải đồng ý. Tôi nghĩ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm là không phù hợp.”
Nhóm luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng cho rằng Văn phòng điều tra tham nhũng không có quyền điều tra các cáo buộc tội danh nổi loạn mà một Tổng thống Hàn Quốc không được miễn trừ, bởi theo quy định, Tòa án Hiến pháp mới là nơi xét xử. Hiện nhóm luật sư đang làm việc với Tòa án Hiến pháp để phản đối lênh bắt giữ của Tòa án quận Tây Seoul, đồng thời cũng đệ đơn lên Tòa án Quận Tây Seoul yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt giữ – vốn có hiệu lực đến hết ngày mai (6/1).
Trong bối cảnh, chính trường Hàn Quốc đang rất căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua đã bắt đầu khởi hành chuyến công du tới quốc gia đồng minh. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken có kế hoạch gặp gỡ các quan chức cấp cao Hàn Quốc để trao đổi tình hình, cũng như thúc đẩy hợp tác song phương và ba bên với Nhật Bản.