Chính trường Thái Lan trước những cơ hội và thách thức
VOV.VN - Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đều cho rằng chính trường Thái Lan đang xuất hiện cả những thuận lợi và khó khăn.
Điềm lành nổi bật nhất liên quan đến việc Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ochan tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (tức ASEM) tại Italy vào ngày 16-17/10 vừa qua.
Chuyến đi này khẳng định sự hiện diện lần đầu tiên của Thủ tướng Prayuth trên diễn đàn quốc tế; đồng thời giúp cho lãnh đạo các nước hiểu thêm về tình hình Thái Lan cũng như ghi nhận sự cam kết hợp tác của Chính phủ Thái Lan trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.
Bên lề Hội nghị ASEM, Thủ tướng Prayuth đã có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Singapore và Việt Nam nhằm thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế vì lợi ích chung.
Chuyến tham dự Hội nghị ASEM được coi là thành công này đã giúp tăng thêm uy tín và sự tự tin của Thủ tướng Prayuth trong việc điều hành đất nước. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đa số người dân ủng hộ chính quyền quân sự và Thủ tướng Prayuth tiến hành cải cách về chính trị - kinh tế - giáo dục, báo chí v.v…, song cải cách phải dựa trên cơ sở đảm bảo sự công bằng, công tâm và công lý.
Một điều quan trọng khác là, sau khi trở về nước, Thủ tướng Prayuth đã có phát biểu kêu gọi người dân ủng hộ Chính phủ; đồng thời thừa nhận còn có những ý kiến khác biệt của một bộ phận dư luận đối với tiến trình cải cách và Thủ tướng Prayuth không có ý định ngăn cản sự phản biện mang tính xây dựng. Điều đó khiến cho "bầu không khí dân chủ" bắt đầu được lan tỏa, giảm bớt sự căng thẳng trên chính trường Thái Lan.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị Thái Lan nhận định, tình hình Thái Lan cho thấy cũng có không ít những khó khăn đòi hỏi chính quyền quân sự phải tìm cách hóa giải.
Đó là việc Ủy ban chống tham nhũng và Hội đồng lập pháp quốc gia đang tiến hành việc xem xét bãi nhiệm đối với các cựu quan chức chính trị, kể cả cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, nhưng lại dựa trên cơ sở pháp lý không rõ ràng, vì Hiến pháp 2007 đã bị Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia hủy bỏ.
Một số chuyên gia pháp luật cảnh báo, động thái này có thể sẽ làm gia tăng mâu thuẫn chính trị, gây bất lợi cho tiến trình cải cách và khôi phục sự hòa giải, đoàn kết dân tộc ở Thái Lan.
Đặc biệt, điều khiến dư luận Thái Lan lo ngại nhất hiện nay là việc giải quyết những khó khăn về kinh tế và đời sống của người dân nước này. Các chỉ số về sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, giá cả nông sản, chỉ số tiêu dùng, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan v.v đều sụt giảm; trong khi kinh tế thế giới phục hồi chậm; khiến cho kinh tế Thái Lan năm nay được dự báo có thể chỉ tăng trưởng khoảng 1,5% và tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm 2015.
Chính phủ của Thủ tướng Prayuth đã triển khai một số biện pháp kích thích kinh tế như trợ giúp tiền cho nông dân sản xuất lúa gạo và cao su; xúc tiến một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng để tạo thêm việc làm v.v...
Tuy nhiên, giới kinh doanh ở Thái Lan cho rằng các biện pháp đó còn có điểm bất cập; đồng thời mong muốn Chính phủ của Thủ tướng Prayuth phải có những biện pháp mới hiệu quả, đồng bộ hơn nhằm vực dậy nền kinh tế, nhất là trong những ngành kinh tế mũi nhọn và gặp nhiều khó khăn của Thái Lan.
Do đó, thời gian sắp tới, việc giải quyết các vấn đề kinh tế sẽ là thách thức lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng Prayuth; đồng thời cũng là dịp để khẳng định Chính phủ quân sự có đủ năng lực quản lý điều hành đất nước hay không./.