Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Nga-Việt: Sẵn sàng hậu thuẫn Việt Nam
VOV.VN - “Chúng tôi sẵn sàng tham gia góp phần ổn định trật tự theo luật pháp nếu phía Việt Nam yêu cầu”.
Ông Sergei Levtrenko Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị với Việt Nam của Duma Quốc gia Nga |
Khi được hỏi các thành viên trong Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị nói riêng, trong Quốc hội Nga nói chung theo dõi và đánh giá thế nào về hành động của Trung Quốc, ông Levtrenko chia sẻ: "Tất cả chúng tôi đều biết những căng thẳng nhất định xung quanh khu vực này. Những căng thẳng này đã từng xảy ra trước kia. Tuy nhiên những diễn biến ngày 1/5 vừa rồi đều khiến tất cả chúng tôi bất ngờ. Động thái này đã vi phạm một loạt các thỏa thuận chung cả chính thức lẫn không chính thức".
"Tất nhiên, chúng tôi cũng rất lo ngại và cho rằng, trong mọi trường hợp, tất cả mọi mâu thuẫn đều phải được ngồi vào bàn giải quyết. Theo quan điểm của tôi, đối với mỗi quốc gia, vấn đề năng lượng đều đóng một vai trò quan trọng, nhưng mọi chuyện đã diễn ra cần phải được giải quyết một cách tổng thể, liên quan đến mọi mặt. Tôi muốn nói rằng, các bên cần kiềm chế và tìm hướng giải quyết tích cực, tìm ra triển vọng để tiến về phía trước thì sẽ xử lý được vấn đề. Nhưng rất tiếc là tình hình hiện nay đang ngày càng căng thẳng", ông Levtrenko nói.
Trả lời câu hỏi, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động này và rút giàn khoan cũng như các tàu quân sự khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Levtrenko nói: "Theo tôi, nếu xuất phát từ thực tế và khả năng được các bên quan tâm thì trước hết, mối xung đột kiểu này cần được trao đổi ở mức cao nhất, tức là giữa các nhà lãnh đạo cấp quốc gia để đưa ra được những giải pháp cần thiết. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể giải quyết được vấn đề bởi có những quan điểm khác biệt. Và khi đó, cũng phải vận dụng đến những cơ quan chức năng khác, nhất là những vấn đề liên quan đến luật pháp".
Ông Levtrenko cho biết thêm: "Như chúng tôi chẳng hạn, mọi vấn đề kiểu này chúng tôi sẽ đưa ra Quốc hội để xem xét những vấn đề cần quyết định. Việt Nam có Quốc hội Việt Nam và Trung Quốc cũng có Quốc hội của mình. Chúng ta vừa nói về việc các thỏa thuận chính thức và không chính thức đã bị vi phạm. Vậy nên các bạn hãy sử dụng cơ quan luật pháp này để tìm ra giải pháp phù hợp".
Ông Levtrenko cũng nêu ý kiến của mình, với tư cách là Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị với Việt Nam trong Duma, về giải pháp cần thiết để xử lý vấn đề, với sự tham gia của Nhóm, nhằm tháo gỡ tình hình và góp phần ổn định an ninh trong khu vực.