Chưa có lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Armenia
VOV.VN - Thậm chí cuộc khủng hoảng này còn bị đẩy đến đỉnh điểm khi phe đối lập chặn các lối vào tòa nhà Quốc hội, ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashynian từ chức và tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào chiều tối 9/3.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Armenia vẫn chưa có lối thoát, thậm chí còn bị đẩy đến đỉnh điểm khi chiều tối 9/3, phe đối lập chặn các lối vào tòa nhà Quốc hội, đồng thời ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashynian từ chức và tổ chức bầu cử Quốc hội sớm.
Chiều tối 9/3, những người biểu tình đã chặn lối vào chính của tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Yerevan. Vài ngày trước đó, họ đã chặn các lối vào khác. Hiện tại họ bắt đầu dựng thêm lều bạt.
Phe đối lập khẳng định sẵn sàng dỡ bỏ phong tỏa, nếu Thủ tướng Nikol Pashynian đến đấy và tuyên bố từ chức, bầu cử quốc hội sớm. Họ nhấn mạnh rằng, sẽ ở lại khu lều trại gần tòa nhà Quốc hội cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.
Trước đó, Thủ tướng Pashynian đã khẳng định sẵn sàng tổ chức bầu cử Quốc hội sớm trong năm 2021. Ông cũng thông báo ý định gặp những người đứng đầu các đảng đối lập để thảo luận về vấn đề này.
Chính quyền muốn ký một bản ghi nhớ với phe đối lập trong Quốc hội cam kết không đề cử các ứng cử viên của họ cho chức vụ thủ tướng sau khi ông Pashinyan từ chức.
Trong trường hợp này, ông sẽ có thể giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, khi giữ nguyên chức vụ của mình.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Armenia đã diễn ra suốt gần 2 tuần qua, sau những phát biểu bất cẩn của Thủ tướng Armenia về tổ hợp tên lửa Iskander của Nga.
Theo báo chí đưa tin, Phó tổng tham mưu trưởng Armenia đã chế nhạo những lời của Thủ tướng, do đó ông đã bị cách chức.
Tiếp đó, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Armenia yêu cầu Thủ tướng Pashinyan và chính phủ của ông từ chức. Người đứng đầu chính phủ coi đây là một âm mưu đảo chính quân sự và thông báo quyết định cách chức Tổng tham mưu trưởng Onik Gasparyan.
Sau 2 lần quyết định được gửi đến Tổng thống Armen Sarkissian mà ông đã không phê duyệt và cũng không trình ra Tòa án Hiến pháp, quyết định đã tự động có hiệu lực vào chiều 9/3.
Trong khi đó, phe đối lập không muốn đàm phán với chính quyền và đòi Thủ tướng từ chức.
Theo các chuyên gia, việc Tổng tham mưu trưởng bị cách chức chưa thể giải quyết được tình hình ở Armenia. Vấn đề chính là mâu thuẫn giữa các bộ phận khác nhau trong giới tinh hoa chính trị Armenia.
Họ cũng cho rằng, lực lượng đối lập chỉ đòi thay đổi chính quyền ngay lập tức, mà không đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể cho tương lai, vì vậy không thu hút thêm được những người ủng hộ.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò hồi tháng 2 của MGP, chi nhánh Armenia của Gallup International, Thủ tướng Nikol Pashinyan, mặc dù đạt 2,8 điểm trên 5, vẫn là chính trị gia được yêu thích nhất trong nước.
Hôm nay, 10/3 là 04 tháng kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình ở Yerevan, sau khi tuyên bố chung về việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh được ký giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashynian với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phe đối lập tại Armenia coi việc ký thỏa thuận này là một sự đầu hàng.
Các đối thủ của Thủ tướng Pashinyan cũng bắt ông phải chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và xã hội của nước cộng hòa này./.