Chuyển đổi năng lượng sạch: Chủ đề nóng tại COP29
VOV.VN - Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan.
Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni hôm 13/11 cho biết, nước này đang “đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tổng hợp hạt nhân” và đã tổ chức hội nghị đầu tiên của Nhóm Năng lượng tổng hợp thế giới, do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ, trong thời gian làm Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay. Bày tỏ ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân thay thế cho nhiên liệu hóa thạch do thế giới không có các lựa chọn thực tế khác, Thủ tướng Italy kêu gọi thế giới nên ưu tiên việc phi các-bon hóa, khi tính đến tính bền vững của hệ thống sản xuất và xã hội.
Ông Giorgia Meloni nói: "GDP toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Điều này sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng đối với sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần một hỗn hợp năng lượng cân bằng để tăng cường quá trình chuyển đổi. Chúng ta phải sử dụng tất cả các công nghệ có sẵn: không chỉ năng lượng tái tạo mà còn cả khí đốt, nhiên liệu sinh học, hydro, thu giữ CO2 và trong tương lai là phản ứng tổng hợp hạt nhân".
Bày tỏ ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Nga đang tăng cường công nghệ và sản xuất của riêng mình để trung hoà khí thải các-bon trong công nghiệp. Thủ tướng Nga kêu gọi nỗ lực thống nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đề ra 4 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Trong đó có thống nhất mục tiêu chung mới về tài chính khí hậu vì lợi ích của các nước đang phát triển, không chấp nhận sự phân biệt đối xử về công nghệ, tạo ra một hệ thống thống nhất để đánh giá chất lượng của các dự án khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng khoa học để đưa ra quyết định hiệu quả về quá trình trung hoà các-bon và thích ứng.
“Điều quan trọng là quá trình chuyển đổi năng lượng phải diễn ra mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia thu nhập thấp. Không nên sử dụng sự nóng lên toàn cầu làm cái cớ cho sự cạnh tranh không lành mạnh hoặc các hoạt động hạn chế. Cũng cần phải đưa ra một cơ chế thực tế để thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Cần phải tạo ra một hệ thống thống nhất để đánh giá chất lượng các dự án khí hậu", ông Mikhail Mishustin nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm với Thủ tướng Nga, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng sạch là cần thiết song cần lộ trình rõ ràng và từng bước để đảm bảo phát triển bền vững. Theo Thủ tướng Hy Lạp thế giới cần đảm bảo có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết tác động của những cú sốc khí hậu chưa từng có.
"Châu Âu và thế giới phải trung thực hơn về những đánh đổi liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Đúng vậy, về lâu dài, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp giảm chi phí, nhưng quá trình chuyển đổi này sẽ không hề dễ dàng. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi khó về một con đường đi rất nhanh với cái giá phải trả là khả năng cạnh tranh của chúng ta và một con đường đi chậm hơn một chút nhưng cho phép ngành công nghiệp của chúng ta thích nghi và phát triển. Chúng ta có trách nhiệm cân nhắc cẩn thận những đánh đổi này, chứ không phải là gạt chúng đi", ông Kyriakos Mitsotakis cho biết.
Bằng chứng khoa học cho thấy, các nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấm nóng toàn cầu. Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như tác động của hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể đã tăng 1,5 độ C so với thời kỳ công nghiệp. Mức tăng nhiệt vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ dẫn đến nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 đến nay vẫn là "bài toán khó” với toàn cầu, nhất là vấn đề kinh phí và phương án thực hiện. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi.