Chuyên gia lịch sử quân sự Pháp phân tích Hiệp định Geneva
VOV.VN - "Việt Nam đã áp dụng khéo léo chiến lược kết hợp chính trị - ngoại giao và quân sự để đạt đến thành công là ký kết Hiệp định Geneva".
Nhận định trên là của chuyên gia lịch sử quân sự Pháp Pierre Journoud – một trong những chuyên gia hàng đầu tại Pháp về Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng - khi trả lời phỏng vấn phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp. Chuyên gia này cũng phản bác luận điệu được đưa ra tại châu Âu nhiều năm qua, cho rằng phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cản trở việc thực hiện Hiệp định.
"Sau trận Cao Bằng năm 1950, đội ngũ quân đội và trí thức Pháp đã nghi ngờ khả năng chiến thắng của quân Pháp trước quân đội Việt Minh chiến đấu kiên cường. Thêm gánh nặng tài chính và thái độ phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp nên phía Pháp cũng mong đàm phán ngoại giao.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Expressen của Thụy Điển dù kiên định cuộc đấu tranh của Việt Nam đến cùng nhưng cũng đã bỏ ngỏ khả năng thương lượng hòa bình. Đến khi trận Điện Biên Phủ diễn ra, quân đội nhân dân Việt Nam giành chiến thắng vang dội, ngay ngày hôm sau, cuộc đàm phán mở ra tại Geneva, tạo một lợi thế mạnh mẽ cho đoàn đàm phán Việt Nam.
Thực sự Việt Nam đã áp dụng khéo léo chiến lược kết hợp mặt trận ngoại giao - chính trị và quân sự. Chiến thắng trên trận địa đã khiến Việt Nam giành lợi thế trên bàn đàm phán ngoại giao. Chiến lược này xuyên suốt và được Việt Nam áp dụng nhiều lần, như trong trận tổng tiến công Mậu Thân 1968 cũng vậy", chuyên gia lịch sử quân sự Pháp Pierre Journoud nói.
Bước vào cuộc đàm phán, trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế phức tạp, chia phe, theo chuyên gia Pierre Journoud, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khéo léo để giữ vững những lợi ích cho dân tộc mình mà không chịu sức ép chi phối từ bên ngoài. Kết quả cuối cùng, Việt Nam đã đạt được điều khoản đấu tranh kiên định là giành độc lập tự chủ cho toàn Đông Dương, bao gồm Lào và Campuchia. Việc chấp nhận chia cắt đất nước theo vĩ tuyến 17, theo nhà sử học Pierre Journoud, cũng đã là một thắng lợi bước đầu mà Việt Nam đạt được.
Nhìn lại việc thực hiện Hiệp định Geneva, chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud bác bỏ luận điệu lâu nay ở phương Tây cho rằng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc đã không tôn trọng và thực hiện các điều khoản của Hiệp định Geneva.
Chuyên gia Pierre Journoud cho rằng: "Nhiều điểm của Hiệp định Geneva đã không được tôn trọng và thực hiện. Các tài liệu mà tôi tra cứu cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu tôn trọng và thực hiện nghiêm túc Hiệp định. Theo tôi, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam là những bên cản trở chính việc thực thi Hiệp định. Và dĩ nhiên, sẽ đến lúc một bên không thể đơn phương thực hiện, trong khi các bên khác phá vỡ Hiệp định đã ký. Đặc biệt, quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về khía cạnh pháp lý rất mạnh, bám sát các điều khoản của Hiệp định Paris cũng như cam kết thực hiện mạnh mẽ".
Cũng theo chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud, ở vào thời điểm đó, Thủ tướng Pháp Pierre Mendes France đã phải gánh chịu nhiều chỉ trích cho rằng chính phủ của ông đã nhượng bộ nước Mỹ quá nhiều và góp phần tiếp tay cho Mỹ tiến hành một cuộc chiến còn thảm khốc hơn ở Việt Nam. Ngay tháng 6/1954, tức là vài tuần sau thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, Thủ tướng Pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của Mỹ tại Đông Dương. Theo chuyên gia Pierre Journoud, phải 10 năm sau đó, năm 1964, nước Pháp mới lấy lại được vị thế và quan điểm độc lập của mình.
Về tác động của Hiệp định Geneve, chuyên gia Pierre Journoud nhấn mạnh: "Hiệp định Geneva và đặc biệt là trận đánh Điện Biên Phủ là chiến thắng của một đội quân, một dân tộc Việt Nam trước quân đội của một nước châu Âu thực dân được trang bị tối tân. Hiệp định Geneva đã tạo đà cho Hội nghị Bangdung 1955 tại Indonesia, nơi lần đầu tiên các quốc gia thực dân và thuộc địa cùng gặp nhau trong một hội nghị lớn. Lần đầu tiên ra đời Phong trào Không liên kết, biểu tượng quan trọng cho việc các quốc gia dù nhỏ cũng giành được quyền định đoạt vận mệnh quốc gia mình, tìm được tiếng nói và con đường đi riêng cho mình".
Cũng theo chuyên gia Journoud, chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ và việc ký Hiệp định Geneva có ý nghĩa biểu tượng cao, khích lệ các dân tộc khác trong cuộc đấu tranh đòi độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình./.