Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Mexico sẽ không có rượu vang và hoa hồng
VOV.VN - Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông Nieto sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về nhân quyền sau vụ 43 sinh viên mất tích cuối tháng 9/2014.
An ninh sẽ chủ đề hàng đầu trong cuộc hội đàm kín ngày 6/1 giữa Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Washington tuần này. Tuy nhiên, những chủ đề truyền thống dường như sẽ bị lu mờ khi ông Nieto phải đối mặt với nhiều câu hỏi về nhân quyền của các nhà lãnh đạo Mỹ sau vụ 43 sinh viên mất tích cuối tháng 9 năm ngoái.
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhà Trắng kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Tổng thống Mexico sẽ đề cập vấn đề an ninh vốn là mối quan tâm hàng đầu của 2 nước có chung đường biên giới, đồng thời thảo luận các chủ đề “an toàn” khác như giáo dục hay cạnh tranh kinh tế.
Ông Nieto dự kiến sẽ có lời cảm ơn Tổng thống Mỹ Barack Obama vì quyết định nới lỏng quy định nhập cư hồi cuối năm ngoái nhằm cứu vãn hàng triệu lao động không giấy tờ, chủ yếu đến từ Mexico và các nước Mỹ Latinh khác không bị Washington trục xuất.
Bên cạnh đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Chính phủ Mexico sẽ muốn hướng sự chú ý vào những nỗ lực của ông Nieto trong việc khôi phục nền kinh tế của quốc gia Trung Mỹ này.
Trong thông điệp liên bang công bố ngày 5/1 ngay trước chuyến thăm chính thức Mỹ, ông Nieto đã cam kết Mexico sẽ khởi đầu năm 2015 bằng 7 hành động thiết thực nhằm hỗ trợ kinh tế gia đình.
Tổng thống Nieto nhấn mạnh đây chỉ là bước khởi đầu của một quá trình chuyển đổi tận “gốc rễ” mà Mexico cần phải tiến hành.
Ông Nieto cũng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, thực hiện minh bạch và bảo đảm công lý trong mọi lĩnh vực đời sống, đồng thời tái khẳng định cam kết của chính phủ liên bang là luôn lắng nghe ý kiến và đồng hành với nhân dân trong mọi tình huống.
“2014 là một năm rất khó khăn với Mexico. Bạo lực do tội phạm có tổ chức một lần nữa hoành hành đất nước này. Chúng tôi cảm thấy đau đớn, tổn thương và tức giận. Chúng tôi đã thấy một yêu cầu chính đáng đòi công lý, những câu hỏi đã được đặt ra và những yêu cầu đối với sự minh bạch hơn. Những điều tốt và xấu trong năm 2014 đã để lại một bài học. Mexico không thể tiếp tục như thế. Đất nước này nên tiếp tục thay đổi để tiến bộ”, ông Nieto nói.
Tuyên bố này đã “chạm” đến vấn đề có thể coi là “khó nhằn” nhất của ông Nieto trong chuyến thăm Mỹ lần này. Đó là vụ 43 sinh viên bị bắt cóc và nhiều khả năng đã bị giết hại mà thủ phạm được cho là băng đảng buôn bán ma túy móc ngoặc với cảnh sát tham nhũng ở thành phố Iguala miền Tây Nam nước này.
Liên quan đến vụ việc này, Thị trưởng thành phố Iguala Jose Luis Abarca và vợ Maria de los Angeles Pineda cùng một số cảnh sát tha hóa có liên quan đã bị bắt vì nghi ngờ là chủ mưu. Đến nay, cơ quan chức năng Mexico mới chỉ xác định được danh tính của 1 trong số 43 sinh viên mất tích.
Vụ việc là một phản đề đối với tuyên bố của Tổng thống Nieto rằng Mexico ngày càng an toàn hơn dưới sự lãnh đạo của ông và nó đã khơi mào cho một làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nhiều lúc biến thành bạo lực.
Đại sứ quán Mỹ ở Mexico thậm chí đã phải cảnh báo công dân nước này tránh xa khu nghỉ dưỡng ở Acapulco vì các cuộc biểu tình bạo lực tháng 11 năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng động thái này của Mỹ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Mexico.
Susana Chacon, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Mexico nhận định, giờ đây các vấn đề truyền thông giữa 2 nước sẽ được hướng về xoay quanh vụ 43 sinh viên mất tích này.
“Các vấn đề thường được 2 bên thảo luận là giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng, nhập cư, thương mại … Nhưng giờ đây sau những sự kiện như thế, các chủ đề cực kỳ nhạy cảm sẽ được thêm vào, ví dụ như nhân quyền. Việc Mỹ khuyến cáo du khách không nên đến Acapulco là bằng chứng cho thấy Washington không bằng lòng với những gì xảy ra ở Mexico thời gian gần đây”, chuyên gia Susana Chacon cho hay.
Tuy nhiên, sức ép không dừng lại ở đó với Tổng thống Nieto khi ông cùng vợ và Bộ trưởng Tài chính của ông bị phát hiện đã mua hoặc sử dụng nhà của một công ty thuộc tập đoàn lớn rót hàng tỷ USD vào dự án đường sắt hồi tháng 11/2014.
Bộ Giao thông vận tải Mexico đã hủy hợp đồng này nhưng thông tin đó vẫn gây tổn hại nghiêm trọng đối với uy tín của Chính phủ Mexico khi nó cho thấy xung đột lợi ích nội bộ chính trường quốc gia Trung Mỹ này. Từ đó cũng có thể thấy, ông Nieto có rất nhiều câu hỏi khó trả lời khi ở Washington./.