Chuyến thăm Triều Tiên- cơ hội mới cho Google?
(VOV) - Chuyến thăm được mô tả với tư cách “cá nhân và nhân đạo” hy vọng sẽ tạo ra những biến chuyển trong quan hệ Mỹ-Triều.
Chuyến thăm 4 ngày của cựu Thống đốc bang New Mexico, Bill Richardson, và Chủ tịch điều hành hãng Google, Eric Schmidt, tới CHDCND Triều Tiên không được tiết lộ mục đích cụ thể, nhưng được thế giới xem là động thái đầu tiên và thận trọng của phía Mỹ, trước những tuyên bố muốn "cải cách toàn diện" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un. Một chuyến thăm mang sứ mệnh "cá nhân và nhân đạo", như cách Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả về chuyến đi của ông Richardson, liệu có thể tạo vết nứt đầu tiên trong mối quan hệ song phương vốn đóng băng từ lâu?
Chủ tịch hãng Google Eric Schmidt theo dõi sinh viên Triều Tiên làm việc với máy tính (Ảnh: Reuters) |
Đứng trong căn phòng rộng lớn, được cho biết là lớp học công nghệ thông tin của trường Đại học Kim Nhật Thành, trường đại học hàng đầu tại Bình Nhưỡng, Chủ tịch điều hành hãng Google Eric Schmidt, cùng Giám đốc phát triển ý tưởng Jared Cohen chăm chú lắng nghe các sinh viên CHDCND Triều Tiên giới thiệu với họ về cách mọi người vẫn thường lấy thông tin về thế giới: họ tìm kiếm trên Google.
Đó rõ ràng là một tín hiệu có thể gây choáng váng bất kỳ nhà kinh doanh nhạy cảm nào. Đây là cơ hội vàng không thể bỏ qua, một khi CHDCND Triều Tiên thực sự xem 2013 là "thời cơ sáng tạo, thay đổi và cải cách toàn diện", như lời nhà lãnh đạo Kim Jong un đã tuyên bố trong một bài phát biểu, được xem là thông điệp đầu năm gửi tới người dân CHDCND Triều Tiên.
Google đã và đang mở rộng phạm vi kinh doanh, thay vì chỉ bó hẹp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tìm kiếm Internet truyền thống. Và một thị trường được cho là sơ khai có thể là một cú hích mạnh mẽ để Google triển khai các kế hoạch kinh doanh, không chỉ cho 2013 mà hàng thập niên tiếp theo.
Trong cuộc phỏng vấn tại trường Đại học Princeton (Mỹ) hồi cuối năm 2012, Eric Schmidt đã tiết lộ phần nào đó tham vọng của Google là "vượt qua mọi rào chắn" về địa lý và vật lý.
“Chúng ta đang được chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ ở mọi nơi trên thế giới. Những vấn đề vướng mắc giữa các tập đoàn trong quá khứ đang được giải quyết, dưới những hình thức hợp tác cùng nhau. Và với sức mạnh tổng hợp đó, chúng ta có thể vượt qua mọi rào chắn”, ông Schmidt nói.
John Feffer, chuyên gia về Triều Tiên của Viện Nghiên cứu chính sách (Mỹ), tại Washington, cũng chia sẻ quan điểm này: “Chúng ta không nên ngạc nhiên và xem Google chỉ là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm Internet, mà phải thừa nhận rằng họ đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. CHDCND Triều Tiên tự bản thân cũng là một nước cực kỳ phát triển trong lĩnh vực CNTT, bởi vậy, ông Schmidt muốn khám phá những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng cho Google cùng với Triều Tiên. Và nên nhớ, CHDCND Triều Tiên nằm ở tốp giữa của những nền kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh nhất thế giới, bởi vậy, nếu muốn mở rộng nghiệp vụ tại Đông bắc Á, tại sao không nghĩ tới CHDCND Triều Tiên?”.
Eric Schmidt chưa bao giờ tiết lộ lý do cụ thể đưa ông tham gia vào phái đoàn này, trong khi cựu Thống đốc Bill Richardson khẳng định đây là một chuyến đi "cá nhân và nhân đạo": “Chúng tôi sẽ có một vài chuyến thăm ở Bình Nhưỡng, trong một khoảng thời gian. Chúng tôi sẽ có cơ hội đi dạo quanh thành phố. Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem những gì đang diễn ra tại đây. Một lần nữa, tôi muốn khẳng định rằng đây là sứ mệnh cá nhân mang tính nhân đạo, không có liên quan gì tới chính phủ Mỹ”.
Sứ mệnh của cựu Thống đốc Bill Richardson không được xác định một cách rõ ràng. Nhưng với Eric Schmidt, khi đứng trước màn hình máy tính và xem các sinh viên Triều Tiên thao tác trên website của Google, vị Chủ tịch điều hành một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất thế giới có thể tự tin về một cơ hội kinh doanh giàu tiềm năng và có được đáp án cho câu hỏi: Tại sao không phải là CHDCND Triều Tiên?./.